"CÔNG AN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG, ĐIỀU LỆNH; XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ"

Dọn tài khoản ngân hàng "rác" để dẹp tội phạm lừa đảo trực tuyến

A
Cập nhật: 26/05/2023 07:38

Việc tài khoản ngân hàng “rác” được mua với giá chỉ vài trăm đến vài triệu đồng chính là lý do khiến Việt Nam trở thành “vùng trũng” của nạn lừa tiền online.

Điểm đến của dòng tiền lừa đảo

Tình trạng lừa đảo trực tuyến bùng nổ thời gian gần đây tại Việt Nam có nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, nhưng điểm chung là các đối tượng đều dùng các tài khoản ngân hàng “rác” để nhận tiền của nạn nhân. Đây là các tài khoản được các đối tượng phạm tội sử dụng chứng minh nhân dân, căn cước công dân giả để mở, hoặc thuê mở tài khoản, hay mua lại của những người thiếu hiểu biết với giá chỉ từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng.

Theo ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), đây là lý do vì sao trong nhiều vụ lừa đảo thời gian qua, nạn nhân dù biết số điện thoại, biết tài khoản nhận tiền nhưng vẫn khó truy ra kẻ đứng sau. Vì vậy, để xử lý lừa đảo trực tuyến, Cục An toàn thông tin cho rằng cần sự phối hợp với các bên như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an để giải quyết vấn đề tài khoản ngân hàng không chính chủ. “Việc đồng bộ dữ liệu quốc gia về dân cư, chuẩn hóa thông tin thuê bao, nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân mới được ban hành sẽ là những căn cứ pháp lý để xử lý tài khoản dạng này” - ông Trần Quang Hưng nói. Lý giải tình trạng tài khoản ngân hàng “rác” tràn lan, phía các ngân hàng cho rằng chủ yếu do dữ liệu đầu vào của ngành ngân hàng vẫn chưa thực sự “sạch”.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank cho biết, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:

Thứ nhất, việc sử dụng chứng minh nhân dân chữ số trước đây có thể bị giả tạo một cách khá dễ dàng và với con mắt thường của các giao dịch viên rất khó phát hiện ra, dẫn tói có nhiều tài khoản có thể mở được bằng những giấy tờ giả mạo.

Thứ hai, có những kẻ xấu luôn lợi dụng những người vùng sâu vùng xa không hiểu biết về pháp luật để thuê họ mở tài khoản. Đây là những tài khoản được mở bằng giấy tờ tuỳ thân hợp lệ và chính chủ, tuy nhiên được bán lại cho kẻ gian để sử dụng vào việc lừa đảo.

Thứ ba là dữ liệu ngân hàng cũng không được khách hàng chủ động cập nhập. Ví dụ khách hàng chuyển địa chỉ sinh sống nhưng không cập nhập đến ngân hàng...

Ngân hàng - Công an cùng vào cuộc dọn tài khoản “rác”

Theo ông Trần Công Quỳnh Lân, vừa qua, Bộ công an cùng với ngành Ngân hàng đã ký hợp tác về ứng dụng dữ liệu và Đề án 06. Với việc sử dụng tài nguyên dữ liệu quốc gia, ngành ngân hàng có thể “dọn dẹp” những tài khoản rác, qua đó có thể ngăn ngừa tội phạm núp bóng dưới tài khoản được mua lại. ông cho rằng, với việc ra đời căn cước công dân gắn chip cũng sẽ hạn chế được việc mở tài khoản trực tuyến bằng giấy tờ giả. Hiện hệ thống ngân hàng có thể đọc được thông tin từ chip một cách rất chính xác, sẽ không có vấn đề về việc dữ liệu không chính xác nữa. Con chip trên căn cước là con chip được cấp từ Bộ công an và không thể nào giả mạo, bản thân con chip đã có tính năng để so sánh khuôn mặt khách hàng với ảnh trong con chip để thực hiện đối soát, xác nhận khách hàng.

Cùng quan điểm, ông Phạm Anh Tuấn — Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, việc ngân hàng có thể tiếp cận Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư và thực hiện xác thực điện tử thì sẽ ngăn chặn được những hành vi lừa đảo, trong đó có những trường hợp như mua bán, thuê mượn tài khoản. “Với căn cước công dân gắn chip, mọi dữ liệu của người dân được tích hợp trên con chip nên ngân hàng sẽ không còn bị các đối tượng qua mặt. Như vậy, sẽ gia tăng mức độ ạn toàn cho khách hàng, tạo tâm lý yên tâm cho người dân khi sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường số” - ông Phạm Anh Tuấn cho biết.

Về phía cơ quan Công an, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng C06 - Bộ Công an cho biết, với các giải pháp Bộ Công an đã, đang và sẽ triển khai để thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng sẽ góp phần rất lớn vào công tác phòng ngừa tội phạm, hạn chế lừa đảo, rủi ro nền tài chính như: Xác minh, làm sạch thông tin tài khoản ngân hàng, hoạt động phòng, chống rửa tiền, mở tài khoản đảm bảo, giao dịch đảm bảo, xác minh thông tin thuê bao, đánh giá tín dụng, hạn chế tín dụng đen... “Với nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước, định danh điện tử và nhóm nhiệm vụ của Đề án 06, 11 nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước, cùng với tinh thần quyết tâm chính trị cao nhất, tôi tin tưởng sẽ từng bước xây dựng thành công quốc gia số, thúc đẩy ngành Ngân hàng ngày càng phát triển, phòng ngừa tội phạm, thúc đẩy nền Kinh tế số” - Đại tá Vũ Văn Tấn cho biết.

Theo Chuyên đề an ninh Hải Phòng

Gửi ý kiến:

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

TƯ CÁCH
NGƯỜI CÔNG AN CÁCH MỆNH LÀ:

Đối với tự mình, phải
CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH Đối với đồng sự, phải
THÂN ÁI GIÚP ĐỠ Đối với chính phủ, phải
TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH Đối với nhân dân, phải
KÍNH TRỌNG LỄ PHÉP Đối với công việc, phải
TẬN TỤY Đối với địch, phải
CƯƠNG QUYẾT, KHÔN KHÉO Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi Công an Khu XII,
ngày 11 tháng 3 năm 1948.
Lượt truy cập: 21306605
Trực tuyến: ...