"CÔNG AN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG, ĐIỀU LỆNH; XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ"

Bài dự thi “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

A
Cập nhật: 10/09/2023 17:05

Đảng là cuộc sống của tôi, mãi mãi đi theo người,

Từ thuở còn thơ đời tôi chưa quen sóng gió

Đảng đã cho tôi lẽ sống niềm tin, giữa biển khơi biết đâu là bờ,

Bầu trời xanh chưa thấy bao giờ

Đảng là một ngôi sao sáng,

Sáng nhất trong muôn vì sao giữa trời tối đêm mịt mùng

Vẫn một màu sáng trong,

Đảng làm nên bài ca chiến thắng cho đất nước và tình yêu,

Cho mỗi ước mơ trên đời vui

Đảng của tôi ơi mãi mãi ơn người”

Những câu hát nhẹ nhàng, sâu lắng ấy không biết tự bao giờ đã ghi sâu, bén rễ trong lòng mỗi người dân Việt Nam, gợi nhắc đến những cảm xúc rất đỗi thiêng liêng, tự hào. Tự hào được Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh soi lối, tự hào và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cùng lớp lớp cha ông đi trước.

Đồng chí Trần Phú, người Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, trước lúc hi sinh còn để lại lời dặn: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Mùa xuân năm 1931, Lý Tự Trọng, người thanh niên khi ấy mới 17 tuổi, trước tòa án thực dân Pháp,đã khảng khái nói: “Tôi hành động không phải là không suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm là vì mục đích Cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng, con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường Cách mạng và không thể là con đường nào khác. Tôi tin rằng, nếu các ông suy nghĩ kỹ thì các ông cũng cần giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao như tôi”.

13 năm sau, ngày 24/5/1944, trước khi ra pháp trường chịu án chém, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Thường vụ Trung ương Đảng, đã cất lên tiếng nói chân lý và lời tuyên án chế độ thực dân xâm lược: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước, và các ông, những kẻ cướp nước, sự hi sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ chiến thắng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta luôn luôn khẳng định sự thắng lợi của Cách mạng. Người đã nêu ra những chân lý nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Đó là nhận thức, là tiên đoán của người nắm vững quy luật. Đó là niềm tin cộng sản.

Một nhà văn lớn viết rằng: “ không có gì làm cho ta vĩ đại hơn là cơn đau vĩ đại”. Nỗi đau của cả một đất nước “ngót một thế kỷ lầm than, nô lệ,” Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của quân thù. Chính “cơn đau vĩ đại” của lịch sử dân tộc đã làm cho nhân dân, dân tộc Việt Nam, tiêu biểu là những người cộng sản, biết vượt qua, biết sinh thành và tái tạo để trở thành vĩ đại.

Nhìn lại lịch sử 93 năm từ ngày có Đảng và những thành tựu của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta càng thấy tự hào về những cống hiến vinh quang, vĩ đại của Đảng ta cho dân tộc, cho đất nước. Những chủ trương, đường lối, định hướng đúng đắn của Đảng là nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Việt Nam. Bản lĩnh, sự sáng suốt, tính kiên định và trí tuệ của Đảng ta được thể hiện rõ nét ở những khúc quanh của lịch sử dân tộc. Khẳng định ưu điểm, thành tích của Đảng cũng chính là khẳng định quá khứ đấu tranh hào hùng, anh dũng và sáng tạo của dân tộc ta; khẳng định lòng tin của Đảng vào nhân dân, và của nhân dân vào Đảng; khẳng định một bài học, một chân lý: Đảng Cộng sản Việt Nam, người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.

Đảng vừa là hạt nhân của hệ thống chính trị, vừa là người lãnh đạo hệ thống chính trị, là tổ chức nòng cốt của chế độ chính trị, cũng là lực lượng lãnh đạo chế độ chính trị.   Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta xác định xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện là nhiệm vụ then chốt, vì Đảng trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ là vấn đề sống còn, là nhân tố quyết định đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Sứ mệnh lịch sử của Đảng ta trong thời kỳ phát triển mới của đất nước được Đại hội XIII xác định: Lãnh đạo khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp. Công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, khuyết điểm. “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước”. Những khuyết điểm này mang tính chất tương đối phổ biến (“một bộ phận không nhỏ”) ở nhiều ngành, nhiều cấp, trong đó có cả một số cán bộ cao cấp, khuyết điểm này kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục. Những khuyết điểm đó rõ ràng là rất nghiêm trọng đối với một đảng có truyền thống cách mạng trên 90 năm như Đảng ta, gây tác hại lớn và lâu dài với Đảng và chế độ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ, làm cho Đảng dần xa rời bản chất cách mạng và khoa học của một đảng cộng sản chân chính nếu không có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Do vậy, nếu không ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái trong Đảng, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì không những không duy trì được sự tồn tại của Đảng mà cả chế độ xã hội chủ nghĩa cũng không còn. Bài học về sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa Xô-viết vẫn còn ý nghĩa nóng hổi cho đến ngày nay đối với nước ta.

Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”. Ở đây còn có trách nhiệm của công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về xây dựng Đảng chưa có chiều sâu, không theo kịp tình hình thực tế. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp chưa có quyết tâm chính trị cao, chỉ đạo thiếu quyết liệt, còn chung chung; nhiều cán bộ, đảng viên còn thiếu tiên phong, gương mẫu. Có thể nói, công tác xây dựng Đảng (công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác lý luận, công tác tổ chức và cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, công tác dân vận,...) còn nhiều mặt bất cập.

Nguyên tắc tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc cơ bản của xây dựng Đảng, của tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng coi “tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng”. Tuy nhiên, thời gian vừa qua nguyên tắc này trong thực hiện đã bị nhiều tác động không thuận, phát huy hiệu lực, hiệu quả thấp. Tâm lý “dĩ hòa vi quý”, “dễ người dễ ta”, “nặng tình, nhẹ lý” của nhiều người cũng làm hạn chế đến hiệu quả của tự phê bình và phê bình. Bởi vậy, cần tiếp tục kiên trì, mài sắc nguyên tắc này, song phải xây dựng các quy định, quy chế cụ thể thực hiện nguyên tắc này một cách chặt chẽ, nghiêm khắc, phối hợp với các nguyên tắc, các biện pháp khác, như có cơ chế kiểm tra, giám sát nội bộ Đảng và giám sát từ phía quần chúng nhân dân. Mọi cán bộ có quyền lực đều phải chịu sự giám sát, không để bất kỳ quyền lực nào từ to đến nhỏ đứng ngoài sự giám sát, rơi vào tình trạng tha hóa quyền lực (lạm quyền, lộng quyền, sử dụng quyền lực vì tư lợi, lợi ích nhóm...). Đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm phải kiên quyết xử lý, xử lý kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, coi trọng trách nhiệm giải trình. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, Đảng có kỷ cương thì ngoài xã hội mới có kỷ cương. Phải đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, luân chuyển, sử dụng, bố trí, sắp xếp, đề bạt và chính sách cán bộ. Người đảng viên phải dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của tập thể, của Đảng, của dân tộc, phải bớt lòng “tham muốn về vật chất” và “tham muốn về quyền lực”. Phải chống chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức và thủ đoạn vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc đẻ ra trăm thứ bệnh, như quan liêu, tham nhũng, công thần, kiêu ngạo, mệnh lệnh…

Hiện nay, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được biểu hiện rất rõ trong việc xa rời, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Tình trạng “nhạt Đảng”, “nhạt chính trị”, “nhạt chủ nghĩa” diễn biến phức tạp. Có đảng viên không dám nói ra nhưng cũng không ít đảng viên công khai phát tán quan điểm sai trái trên in-tơ-nét, trên sách, báo, thậm chí có đảng viên kiến nghị phải sửa đổi Cương lĩnh, phải đưa chủ nghĩa Mác - Lê-nin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng, phải loại bỏ chủ nghĩa xã hội ra khỏi mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Vì vậy, phải tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Chế độ chính trị của nước ta dựa trên 3 trụ cột: Đảng - Nhà nước - Nhân dân với các chức năng khác nhau là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Muốn chế độ vững bền phải củng cố, xây dựng tốt 3 trụ cột này: Đảng phải trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; Nhà nước cũng phải trong sạch, vững mạnh, chất lượng, hiệu quả, năng động trong quản lý, điều hành; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất và năng lực hoàn thành nhiệm vụ; nhân dân thực sự là “gốc” của nước, thực sự là người chủ và làm chủ, có sự gắn bó mật thiết với Đảng và Nhà nước; chính sách của Đảng và Nhà nước phải được lòng dân, “được lòng dân là được tất cả, mất lòng dân là mất tất cả”, thực sự vì lợi ích của nhân dân, dân có yên thì chế độ mới ổn, mới vững bền. Làm sao để người dân coi chế độ chính trị này là của họ chứ không phải của ai khác. Trong 3 trụ cột đó, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân là nhiệm vụ sống còn để duy trì và giữ vững chế độ chính trị ở nước ta.

Xây dựng Đảng về tư tưởng giữ vai trò trọng yếu trong quá trình hoạt động của Đảng. Muốn xác định đúng nhiệm vụ và những giải pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng xây dựng Đảng về tư tưởng trong thời kỳ mới, trước hết cần thống nhất nhận thức quan niệm về tư tưởng, về xây dựng Đảng về tư tưởng, về công tác tư tưởng.

Là người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng một cách toàn diện cả chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong công tác xây dựng Đảng, Người xác định trước hết là xây dựng Đảng về tư tưởng chính trị, trước hết là xác lập thế giới quan và hệ tư tưởng của giai cấp công nhân. Người khẳng định, cái quyết định bản chất giai cấp công nhân của Đảng không chỉ ở số lượng Đảng viên xuất thân từ công nhân mà cơ bản là ở nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Marx-Lenin, ở cương lĩnh, đường lối của Đảng thực sự vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, đồng thời là vũ khí tư tưởng để Đảng viên làm tròn vai trò tiên phong, vai trò lãnh đạo cách mạng.

Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng phải coi trọng công tác xây dựng Đảng về tư tưởng. Theo Người, giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng hàng đầu của Đảng. "Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là "mù chính trị", thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng". Người yêu cầu: "Phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, trước hết trong những cán bộ cốt cán của Đảng". Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng Đảng về tư tưởng không chỉ làm cho lý luận Marx-Lenin, thế giới quan và phương pháp luận Marx-Lenin thấm nhuần trong toàn Đảng và giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội mà còn làm cho toàn Đảng và mỗi Đảng viên không ngừng nâng cao ý chí phấn đấu, xây dựng niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đấu tranh không khoan nhượng với các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Marx-Lenin, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng.

Trong quá trình học tập lý luận chính trị, Người luôn nhắc nhở cán bộ Đảng viên học tập chủ nghĩa Marx-Lenin không những để thấm nhuần mà còn biết vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Phải nắm vững phép duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, phải căn cứ vào thực tiễn để xác định đúng quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật, vận dụng sáng tạo, không máy móc, giáo điều, dập khuôn, bảo thủ. Theo Người, xây dựng Đảng về tư tưởng đòi hỏi mỗi Đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng rèn luyện, trau dồi tư tưởng chính trị, đạo đức cho bản thân, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình và tự mình nêu gương "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với thực tế. Mỗi Đảng viên phải không ngừng học tập văn hóa, khoa học – kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu của công tác cách mạng.

Xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng là làm cho toàn Đảng một ý chí, đoàn kết thống nhất cùng toàn dân đồng lòng thực hiện thắng lợi cương lĩnh, đường lối chính sách của Đảng.

Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức là trọng trách của công tác tư tưởng. Vì vậy chúng ta cần thống nhất quan niệm về công tác tư tưởng: Đối với Đảng ta, công tác tư tưởng là một bộ phận cấu thành rất quan trọng toàn bộ hoạt động cách mạng của mình. Công tác tư tưởng cùng với công tác tổ chức trực tiếp góp phần xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Tiến hành công tác tư tưởng nhằm vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh xây dựng cơ sở khoa học, thực tiễn để hình thành cương lĩnh, đường lối, chính sách trong từng thời kỳ; truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân nhằm đem lại cho họ sự giác ngộ về thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cộng sản, biến nó thành niềm tin, lý tưởng, lẽ sống, thành nguyên tắc đạo đức, tình cảm cách mạng, cổ vũ, động viên tính tích cực, tự giác, sáng tạo của cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Đất nước ta đang đứng trước những cơ hội mới và cả thách thức mới. Những khó khăn tồn tại nhiều mặt đòi hỏi chúng ta phải ra sức giải quyết. Song, chúng ta tin tưởng vững chắc rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng ta đã đề ra. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang quyết tâm ra sức phấn đấu vì mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.

Đại úy Phạm Việt Anh - Công an phường Đằng Lâm (Hải An)

Gửi ý kiến:

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

TƯ CÁCH
NGƯỜI CÔNG AN CÁCH MỆNH LÀ:

Đối với tự mình, phải
CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH Đối với đồng sự, phải
THÂN ÁI GIÚP ĐỠ Đối với chính phủ, phải
TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH Đối với nhân dân, phải
KÍNH TRỌNG LỄ PHÉP Đối với công việc, phải
TẬN TỤY Đối với địch, phải
CƯƠNG QUYẾT, KHÔN KHÉO Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi Công an Khu XII,
ngày 11 tháng 3 năm 1948.
Lượt truy cập: 21267248
Trực tuyến: ...