"CÔNG AN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG, ĐIỀU LỆNH; XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ"

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về ANTT góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới

A
Cập nhật: 16/05/2024 17:00

Ngày 09/11/2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền (NNPQ) xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW), đặc biệt trong đónhấn mạnh những nội dung liên quan đến pháp luật, hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật, đáp ứng yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Pháp luật, hệ thống pháp luật là giá trị cốt lõi, đặc trưng, có nội hàm rất phong phú và gắn liền với những giá trị cốt lõi, đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; là nền tảng, phương thức thiết lập nên các mối quan hệ của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, là phương thức, phương tiện để thể chế hóa cơ chế bảo đảm chủ quyền nhân dân, dân chủ và thực hành dân chủ, quyền làm chủ của người dân; thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”; ghi nhận, công nhận, cơ chế giám sát bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; quy định trách nhiệm của các thiết chế nhà nước, xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; thể hiện khái quát nhất, tập trung nhất ở Hiến pháp với tư cách là luật cơ bản của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất; mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp;thể chế hóa sự thống nhất của quyền lực nhà nước, cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp…

Tọa đàm khoa học tại Công an thành phố Hải Phòng

Trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, các hoạt động quản lý xã hội được thực hiện dựa trên pháp luật. Mỗi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và các lĩnh vực khác đều được quản lý và điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành. Pháp luật là căn cứ tổ chức, thực thi, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, quản lý xã hội, điều chỉnh hành vi của cá nhân, tổ chức trong mọi lĩnh vực. Tổ chức, thực thi, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước, quản trị quốc gia, quản lý xã hội bằng pháp luật để bảo đảm được lợi ích của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc. Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật…”.

Pháp luật là nền tảng của quan hệ xã hội, các quy phạm pháp luật với tư cách là những quy tắc xử sự bắt buộc chung, được Nhà nước đảm bảo thực hiện tạo ra những mối quan hệ bình đẳng, minh bạch giữa những thành viên trong xã hội. Nhờ vào giá trị công bằng, minh bạch, lợi ích hài hòa, pháp luật giúp thiết lập quan hệ tin cậy, tôn trọng lẫn nhau giữa các cá nhân trong xã hội, từ đó tạo ra trật tự xã hội, trật tự pháp luật cần thiết cho sự phát triển bền vững.

Tại Hội nghị tổng kết việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá: “Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn”. Rõ ràng, nếu thiếu cơ sở pháp lý, thiếu hệ thống pháp luật thì hoạt động quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế, xã hội sẽ khó khăn, không hiệu quả.Xuất phát từ thực tế việc xây dựng hệ thống pháp luật còn chưa đầy đủ, thiếu kịp thời, nhiều điều luật thiếu tính khả thi là nhiệm vụ quan trọng thứ hai trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Trong quá trình xây dựng pháp luật, phải lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững làm mục tiêu. Đây vừa là giải pháp, vừa là định hướng quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước ta.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và cơ chế thực hiện pháp luật hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc “thượng tôn” Hiến pháp và pháp luật.Hệ thống pháp luật Việt Nam cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tăng cường tính dân chủ, công bằng, nhân đạo, hiện đại, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiến tạo phát triển; đa dạng hóa nguồn pháp luật; đơn giản hóa, giảm tầng nấc, loại hình văn bản trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, phải thường xuyên rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn, hệ thống hóa văn bản định kỳ, các bộ, ngành, địa phương kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền các giải pháp hoàn thiện pháp luật, qua đó các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập, không phù hợp thực tiễn được xử lý; đồng thời đưa ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật và nhận diện mâu thuẫn, bất cập trong hệ thống pháp luật.

Pháp luật về ANTT là một bộ phận của hệ thống pháp luật của nhà nước CHXHCN Việt Nam. Vì vậy, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về ANTT là góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam, là tiền đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở các quan điểm của Đảng và Chính Phủ về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong những năm qua, Bộ Công an đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật về an ninh trật tự, xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa “đột phá” cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Các văn bản quy phạm pháp luật về an ninh, trật tự được xây dựng, ban hành đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phục vụ chuyển đổi số quốc gia  trong lĩnh vực quản  lý nhà nước về an ninh, trật tự giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong định hướng xây dựng pháp luật đến năm 2030, xác định xây dựng pháp luật là vì lợi ích chung của toàn xã hội, Bộ Công an đã chủ động tham mưu đề xuất xây dựng, sửa đổi nhiều dự án Luật,đặc biệt, tại kỳ họp 5 và 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua 04 Luật (Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở) có ý nghĩa chính trị và pháp lý rất quan trọng, thể hiện được ý chí nguyện vọng của nhân dân, tạo cơ sở pháp lý vững chắc giúp lực lượng Công an nhân dân chủ động trong công tác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của địa phương trong tình hình mới.

Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực có diễn biến phức tập, khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, áp dụng khoa học công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục có những tác động, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại... Trong nước các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bộc lộ ngày một rõ nét hơn; an ninh mạng, an ninh kinh tế, tài chính, an ninh tôn giáo… còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng. Vì vậy, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự đặt ra hết sức nặng nề, đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về ANTT phải được đổi mới. Đồng thời theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết số 27 của BCH TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới….Trước yêu cầu đó, Bộ Công an tiếp tục rốt ráo, quyết liệt quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luậtvề an ninh trật tự. Trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 20/5/2024 tới đây, Bộ Công an cũng đang khẩn trương chỉ đạo tiếp thu hoàn thiện 06 dự án Luật gồm: Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Cảnh vệ, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ…

Do vậy có thể khẳng định rằng, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về ANTT; bám sát, thể chế hóa kịp thời đường lối lãnh đạo của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Trung tá Đặng Thái Hòa – Đội trưởng Đội Pháp chế & Quản lý khoa học Phòng Tham mưu – CATP Hải Phòng

Gửi ý kiến:

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

TƯ CÁCH
NGƯỜI CÔNG AN CÁCH MỆNH LÀ:

Đối với tự mình, phải
CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH Đối với đồng sự, phải
THÂN ÁI GIÚP ĐỠ Đối với chính phủ, phải
TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH Đối với nhân dân, phải
KÍNH TRỌNG LỄ PHÉP Đối với công việc, phải
TẬN TỤY Đối với địch, phải
CƯƠNG QUYẾT, KHÔN KHÉO Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi Công an Khu XII,
ngày 11 tháng 3 năm 1948.
Lượt truy cập: 21265443
Trực tuyến: ...