Ngày 25/5/2023, Ban soạn thảo xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQP, AN và ĐVCN) đã tiến hành tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến đối với 1 số nội dung trọng tâm của hồ sơ dự án Luật.
Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban soạn thảo Luật CNQP, AN và ĐVCN chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban soạn thảo Luật CNQP, AN và ĐVCN; đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; các đại biểu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ủy ban chuyên trách của Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe công bố Quyết định thành lập Ban soạn thảo Luật CNQP, AN và ĐVCN; Quyết định thành lập Tổ biên tập Luật CNQP, AN và ĐVCN, quy chế hoạt động của Ban soạn thảo và Tổ biên tập…
Tiếp đó, tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo về kết quả triển khai xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp do Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo trình bày và cho ý kiến vào một số nội dung trọng tâm của hồ sơ dự án Luật. Trong đó, đã nêu bật vai trò quan trọng của sự phát triển CNQP, AN và thực hiện ĐVCN đối với đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước… Qua đó, đã làm rõ các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật CNQP, AN và ĐVCN.
Báo cáo nêu rõ: Luật CNQP, AN và ĐVCN là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng đối với sự phát triển của ngành CNQP, CNAN và hoạt động ĐVCN trước mắt và lâu dài; là hành lang pháp lý để xây dựng CNQP, CNAN tự chủ, tự cường, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học công nghệ cao, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Trong dự thảo Luật với 7 chương và 75 điều tập trung thể chế hóa 5 chính sách nổi bật, gồm: Phát triển CNQP, CNAN theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động CNQP, CNAN; hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức CNQP, CNAN; thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển CNQP, CNAN; huy động nguồn lực cho phát triển CNQP, CNAN; bảo đảm hiệu quả hoạt động ĐVCN.
Dự kiến dự án Luật sẽ trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là các quy định về cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt của CNQP, CNAN như: đảm bảo nguồn vốn; cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ; cơ chế, chính sách đối với tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực CNQP, AN.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trân trọng cảm ơn sự quan tâm, trách nhiệm của Quân uỷ Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp Bộ Quốc phòng và các đơn vị có liên quan của Bộ Quốc phòng đã rất quan tâm, ủng hộ trong việc hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật phục vụ họp Ban soạn thảo.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết: Thực hiện Nghị quyết Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan xây dựng dự án Luật CNQP, AN và ĐVCN để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV. Thực hiện các nghị quyết nêu trên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, các cơ quan chuyên môn của hai Bộ đã tích cực, chủ động tiến hành các công việc cần thiết để triển khai, xây dựng dự án Luật…
Đề xuất 1 số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, Phó trưởng Ban soạn thảo đề nghị cơ quan tham mưu hai Bộ khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý, giải trình các ý kiến đóng góp của Ban soạn thảo và Tổ biên tập; chủ động xây dựng các văn bản dưới Luật như Nghị định, Thông tư nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội. Đối với 1 số nội dung liên quan các sản phẩm, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực CNQP, AN, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị các đơn vị trong Công an nhân dân tập trung rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ Quốc phòng xây dựng các nội dung quy định trong Luật nhằm phù hợp, mang tính chất chiến lược và đảm bảo tuổi thọ của Luật khi có hiệu lực.
Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Quân uỷ Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Phạm Hoài Nam đánh giá cao sự chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các ban, bộ, ngành có liên quan trong quá trình xây dựng hồ sơ dự án Luật CNQP, AN và ĐVCN đảm bảo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, yêu cầu trong dự thảo Luật cần phải thể chế hóa đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển CNQP, AN và ĐVCN. Trong đó, có giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt của CNQP, AN để tạo động lực phát triển và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn về vốn, nhân lực và các nguồn lực đảm bảo. Quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách cần nghiên cứu theo hướng quy định tối đa trong dự thảo Luật, hạn chế việc xây dựng các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành.
Đối với những cơ chế, chính sách đặc thù, Thứ trưởng Phạm Hoài Nam yêu cầu phải đảm bảo xác định tiêu chí rõ ràng về đối tượng áp dụng nhằm tránh lãng phí nguồn lực, hạn chế tiêu cực, bất cập trong thực thi.
Bên cạnh đó, để đáp ứng tiến độ trình Quốc hội và đảm bảo chất lượng hồ sơ dự án Luật theo quy định, Thứ trưởng Phạm Hoài Nam đề nghị các thành viên Ban soạn thảo tiếp tục dành thời gian nghiên cứu và đề xuất các nội dung để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Về các kiến nghị của Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo, Thứ trưởng Phạm Hoài Nam nhất trí và giao cho các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, triển khai thực hiện.