Ngày 4-12-2021, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 105/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2022, áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác phối hợp phòng, chống tội phạm về ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
Về nguyên tắc thực hiện, tại Điều 3 của Nghị định này đã quy định cụ thể như sau:
Một là. Công tác phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy phải tuân thủ Luật Phòng, chống ma túy, Nghị định này và quy định của văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Hai là. Công tác phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
a) Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thực hiện các hoạt động phối hợp đảm bảo sự đoàn kết, hiệp đồng, hỗ trợ lẫn nhau;
b) Mỗi khu vực, địa bàn do một cơ quan chịu trách nhiệm chính, chủ trì trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma tuý; các cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ;
c) Việc trao đổi thông tin tội phạm, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo kịp thời, chính xác, đúng quy định bảo vệ bí mật nhà nước;
d) Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân là nòng cốt trong các hoạt động phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma tuý trên phạm vi toàn quốc.
Ba là. Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
a) Các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Phòng, chống ma túy phải được kiểm soát chặt chẽ theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương và phải kiểm soát đến sản phẩm cuối cùng;
b) Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý các hoạt động thuộc lĩnh vực chuyên ngành và phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Bốn là. Công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
a) Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy phải được tiến hành công khai, khách quan và đúng quy định của pháp luật;
b) Tôn trọng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng trái phép chất ma túy và gia đình của họ;
c) Gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng nơi người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú, công tác, làm việc, học tập có trách nhiệm tham gia quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy;
d) Thông tin, tài liệu về người sử dụng trái phépc chất ma túy được cập nhật thường xuyên, chính xác;
đ) Các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo đúng chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm được phân công, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết công việc;
e) Nghiêm cấm lợi dụng việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.