Theo Bộ Công an, trong 5 tháng đầu năm 2024, thiệt hại do tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã vượt hơn 4.000 tỷ đồng, tương đương 94% tổng thiệt hại của cả năm 2023. Qua điều tra, Bộ Công an phát hiện những nhóm lừa đảo hoạt động chuyên nghiệp như một nghề để kiếm sống, liên tục nghiên cứu các chính sách mới để xây dựng các kịch bản lừa đảo.
Ảnh minh họa
Để ngăn chặn lừa đảo, từ ngày 1/7/2024, Ngân hàng Nhà nước quy định các giao dịch trên 10 triệu đồng phải xác thực bằng sinh trắc học khuôn mặt. Quy định này giúp truy vết và ngăn chặn các dòng tiền lừa đảo và vi phạm pháp luật như cờ bạc online và rửa tiền. Tuy nhiên, ngay sau khi quy định có hiệu lực, đã xuất hiện 4 hình thức lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng để hỗ trợ cập nhật sinh trắc học cho người dùng. Cụ thể 4 hình thức lừa đảo xác thực sinh trắc học gồm:
- Gọi điện thoại hoặc kết bạn qua Zalo, Facebook: Kẻ xấu mạo danh cán bộ ngân hàng, liên hệ với nạn nhân qua các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua Zalo, Facebook để hướng dẫn và thu thập thông tin sinh trắc học.
- Lập nick gây nhầm lẫn: Đối tượng lập nick giả mạo nhân viên ngân hàng, tương tác với bình luận của khách hàng dưới bài đăng trên mạng xã hội chính thức của ngân hàng để đề nghị liên hệ riêng.
- Yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân: Kẻ xấu yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt, giọng nói và cử chỉ. Khi có được thông tin này, chúng dễ dàng đăng nhập vào tài khoản và đánh cắp tiền của nạn nhân.
- Yêu cầu truy cập vào đường link giả mạo: Kẻ xấu đề nghị người dùng truy cập vào đường link giả mạo để tải ứng dụng thu thập sinh trắc học, thực chất là tải về mã độc, phần mềm gián điệp để khai thác thông tin sâu hơn.
Theo Bộ Công an, ngay khi Việt Nam triển khai chính sách mới, một số đối tượng ở nước ngoài đã liên hệ với các cá nhân ở Việt Nam để triển khai phương thức lừa đảo, giả danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ cập nhật sinh trắc học. Thậm chí, chúng có thể sử dụng ảnh chụp của nạn nhân tạo từ công nghệ trí tuệ nhân tạo để lừa đảo. Còn các chuyên gia an ninh mạng nhận định, xác thực sinh trắc học là giải pháp tốt nhưng vẫn có nguy cơ đối tượng lừa đảo thuê người lập tài khoản và thực hiện chuyển tiền cho chúng.
Vì vậy, người dùng cần đặc biệt cảnh giác, không tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo; không chia sẻ các thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ ngân hàng, thông tin giao dịch ngân hàng... lên mạng xã hội để tránh bị những kẻ lừa đảo lợi dụng mạo danh ngân hàng/cán bộ ngân hàng liên hệ, yêu cầu được hỗ trợ hoặc yêu cầu cung cấp thông tin nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo, gian lận và chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng.