Năm 2021, trước làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi cả nước, tình hình ANTT cũng diễn biến phức tạp với sự gia tăng và “biến tướng” khó lường . Tại Hải Phòng, một số tội phạm phi truyền thống đã xuất hiện với những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi, xảo trá nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người nhẹ dạ ngay giữa mùa dịch…
“Thủ đoạn cũ, chiêu trò mới”…
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Hình sự - CATP, năm 2021 trên địa bàn thành phố xảy ra 17 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản mang tính chất nghiêm trọng. Trong số đó, nổi lên rất nhiều vụ việc các đối tượng phạm tội dùng thủ đoạn đánh vào tâm lý chủ quan, nhẹ dạ, cả tin của người dân để tung ra chiêu trò mới nhằm thực hiện tội phạm một cách nhẹ nhàng mà trắng trợn, gây ra tâm lý hoang mang, bức xúc vô cùng lớn trong cộng đồng xã hội.
Trước hết có thể kể đến chiêu thức lừa bằng hình thức: “Đặt hàng, nhờ thanh toán hộ” do Nguyễn Trung Kiên, sinh năm 1985, ở khu 1 xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba, Phú Thọ cầm đầu. Cùng đồng bọn với hắn là Phạm Thị Thu Trang, sinh năm 1981, ở 2E/193 Văn Cao, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Để thực hiện trót lọt các phi vụ, chiếm đoạt tài sản, nhóm đối tượng này đã vạch sẵn một kế hoạch hết sức bài bản, kín kẽ.
Cụ thể, vào đầu tháng 7-2021, lợi dụng tình hình các cơ sở kinh doanh hàng ăn phải tạm thời đóng cửa, chỉ được phép bán hàng mang về để bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch của thành phố, Kiên đã trực tiếp mua một số vỏ chai rượu ngoại sau đó pha chế các loại nước ngọt vào tạo màu, đóng lại nút chai, bọc nilon; kèm theo đó là một số bàn là, túi xách kém chất lượng, giá rẻ. Có hàng trong tay, hắn đã cùng đồng bọn tìm cách tiếp cận những người kinh doanh bán hàng mang về. Chúng gọi điện, tự giới thiệu, nhận mình là khách quen của quán để đặt các loại đồ ăn, hoa quả. Vốn đang chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, làm ăn ế ẩm, các chủ quán thấy có khách gọi đặt hàng là vui mừng chuẩn bị chẳng chút mảy may nghi ngờ. Nắm được điểm yếu đó, “được nước đẩy thuyền”, gọi điện đặt hàng xong, Kiên từng bước đưa các bị hại vào cái bẫy do chúng đã dày công giăng sẵn. Đó là trước khi các chủ quán giao hàng, chúng nhờ họ nhận hộ những chai rượu giả, bàn là, túi xách kém chất lượng, giá rẻ chúng chuẩn bị từ trước và nhờ thanh toán hộ tiền trước kèm lời hứa sẽ hoàn trả lại sau khi nhận được hàng. Tuy nhiên ngay sau đó, Kiên tắt máy không nhận hàng của họ nữa để chiếm đoạt số tiền trên. Kiên cùng đồng bọn còn sử dụng nhiều số điện thoại để liên lạc đặt hàng, giao hàng. Có vụ, hắn trực tiếp đóng giả người giao hàng, có vụ nhờ những người làm nghề xe ôm đến giao, sau đó mang tiền trả cho mình. Bằng thủ đoạn này, chỉ trong vài ngày, trên địa bàn quận Kiến An đã có không ít chủ cửa hàng ăn, tiệm bánh, cửa hàng hoa quả bị sập bẫy lừa. Chỉ tính riêng trong 2 ngày (20 và 21-7) đã có 4 nạn nhân bị chúng chiếm đoạt tài sản tìm đến cơ quan công an để trình báo vụ việc.
Đơn cử, vào 14h39 ngày 20-7, chị N.T.A, sinh 1973, ở Khu đô thị Cựu Viên, phường Quán Trữ, Kiến An, nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0775.93X.XXX tự xưng là khách quen của cửa hàng đặt 3 nồi lẩu. Khoảng 20 phút sau, số điện thoại này lại gọi cho chị A nói có đặt 2 chai rượu Chivas có giá 2.200.000 đồng và đã trả cho người bán rượu trước 1.000.000 đồng, đồng thời nhờ chị A nhận giúp 2 chai rượu nói trên và thanh toán nốt cho người mang rượu đến 1.200.000 đồng còn lại. Người này hứa khi chị A mang lẩu, rượu đến địa chỉ số 182 Trường Chinh, Kiến An, sẽ đưa cả tiền lẩu và thanh toán tiền rượu chị vừa trả hộ. Nghĩ chỗ khách quen nên chị A đã đồng ý. Một lát sau có một người đàn ông đến cửa hàng chị A tự xưng là người được thuê vận chuyển 2 chai rượu Chivas. Nghĩ đây là rượu mà khách nhờ lấy hộ nên chị A đã đưa cho người đàn ông này số tiền 1.200.000 đồng. Sau đó, chị A đã mang đồ lẩu và rượu đến địa chỉ 182 Trường Chinh, Kiến An để giao thì số điện thoại trên không liên lạc được. Tiếp đó, vào 17h38 ngày 21-7, cũng với phương thức, thủ đoạn như trên, nhóm của Kiên đã lừa, chiếm đoạt 950.000 đồng của chủ cửa hàng ăn ở phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, khi nhờ chủ quán trả tiền hộ chai rượu Chivas 18 giả. Vào 19h cùng ngày, hắn lại cùng đồng bọn lừa, chiếm đoạt tổng cộng 1,9 triệu đồng của chủ cửa hàng ăn tại phố Phan Đăng Lưu và phố Hoàng Quốc Việt, cùng quận. Ngoài 4 phi vụ nêu trên, Kiên còn cùng đồng bọn thực hiện trót lọt 7 phi vụ khác, lừa chiếm đoạt của các bị hại trên địa bàn quận Kiến An thêm 6.190.000 đồng. Chúng cũng là thủ phạm chính của các phi vụ lừa đảo tương tự trên địa bàn một số quận, huyện khác…
Cái kết cho những “tuyệt chiêu”
Tinh quái, đáng lên án hơn là khi nhân dân cả nước nói chung, Hải Phòng nói riêng đang “chung lưng, đấu cật”, sát cánh cùng đồng bào sinh sống, làm tại thành phồ Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19 cũng như san sẻ, giúp đỡ những mảnh đời cơ cực, gặp khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống trên mọi miền Tổ quốc thì cộng đồng xã hội lại được phen “dậy sóng” khi cơ quan chức năng “vén” bộ mặt giả nhân, giả nghĩa, táng tận lương tâm, ngang nhiên lợi dụng lòng nhân ái, thiện lương, chà đạp lên tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, “tương thân, tương ái” của cộng đồng để kêu gọi tiền từ thiện sau đó chiếm đoạt ăn tiêu, trả nợ cá nhân của một số đối tượng.
Đó chính là Trần Văn Mạnh, sinh 1996, ở tổ 9, phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh. Để có tiền trang trải cuộc sống, trả nợ cá nhân, hắn đã kêu gọi cộng đồng quyên góp tiền từ thiện trên Facebook rồi chiếm đoạt làm của riêng. Cụ thể, từ tháng 9-2019, thấy trên mạng xã hội có nhiều người đăng bài viết kêu gọi ủng hộ từ thiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo, bản thân y đang khó khăn về tài chính, nợ nần không có khả năng trả nên đánh liều dùng điện thoại lập một loạt tài khoản Facebook giả kêu gọi từ thiện. Để che đậy ý đồ đen tối, tránh bị cộng đồng phát giác, hắn tìm kiếm và sao chép các bài viết trên Facebook của người khác để chỉnh sửa lại, ghép thông tin tài khoản của mình vào rồi đăng tải, chia sẻ lên các hội, nhóm kêu gọi ủng hộ bằng nhiều tài khoản giả. Đặc biệt, để tạo vỏ bọc của một kẻ theo đạo, hướng thiện, hắn đã nghĩ ra “tuyệt chiêu” là đăng nhiều bài viết liên quan đến “Phật giáo”, “Thiên chúa giáo” để đánh lừa, tạo được thiện cảm, lòng tin nơi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, xoá nhoà đi sự cân nhắc, đề phòng của nhiều người. Chả vậy mà từ ngày tung chiêu “gom tiền từ thiện” trên Facebook đến ngày bị Phòng Cảnh sát Hình sự - CATP bắt giữ (22-10-2021), hắn đã làm cho nhiều nạn nhân “sập bẫy” mà không hề hay biết, nhẹ nhàng đút túi tổng cộng 520.000.000 đồng. Toàn bộ số tiền này, Mạnh sử dụng vào việc ăn tiêu và trả nợ...
Ngoài những chiêu thức kể trên, thời gian qua, trên địa bàn Hải Phòng còn xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo khá mới. Đơn cử như, đối tượng phạm tội vào vai là người mua hàng qua mạng, gọi điện thoại đặt quần áo với giá niêm yết của sản phẩm nhưng yêu cầu chủ cửa hàng quần áo viết hoá đơn khống tăng lên gấp 2, 3…, n lần. Đơn hàng được chốt, Shippre đến lấy hàng có nhận được yêu cầu của “khách hàng” là để lại số tiền cọc theo hoá đơn cho chủ cửa hàng rồi giao hàng đến địa chỉ A để lấy tiền. Sau khi Shippre đã lấy hàng, đưa tiền cọc xong, đối tượng lại gọi điện thoại lại cho chủ cửa hàng, yêu cầu bắn số tiền chênh lệnh như đã thoả thuận ở trên vào tài khoản của đối tượng. Chiếm đoạt được một khoản chênh lệch kể trên, đối tượng tắt máy, không nhận hàng. Với thủ đoạn có phần khá tàn nhẫn, bất công với nhân viên giao hàng này, chúng đã khiến người Shippre trở thành nạn nhân, còn chủ giao hàng bất đắc dĩ đã trở thành kẻ tiếp tay cho hành vi phạm tội của chúng….
Nhưng dù thủ đoạn có tinh vi, xảo trả như thế nào thì “lưới trời lồng lộng”, với tinh thần kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các loại tội phạm, ngay sau khi bắt tay vào tiến hành điều tra, lực lượng trinh sát, điều tra viên Công an các đơn vị, địa phương đã nhanh chóng khoanh vùng, xác định được chính xác kẻ chủ mưu, đứng đằng sau các chiêu trò lừa đảo nêu trên. Các vụ án hình sự được Cơ quan CSĐT khởi tố, những kẻ gây tội đếm ngày hầu toà để nhận về bản án thích đáng với những gì chúng gây ra cho cộng đồng xã hội…
Theo Chuyên đề An ninh Hải Phòng