Thời gian qua, trên không gian mạng rầm rộ các loại dịch vụ vay tiền qua các ứng dụng di động (app), với lời quảng cáo “giải ngân nhanh trong 5 phút, không cần thẩm định hồ sơ...” Lợi dụng tình hình trên, tội phạm trên không gian mạng đã khởi tạo các app giả mạo từ hình ảnh, logo, địa chỉ, đăng ký kinh doanh đến mẫu hợp đồng tín dụng và các thông tin của những công ty, tổ chức tín dụng đã được nhà nước cấp phép hoạt động để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng dựng lên các bước tiếp nhận giả mạo, xét duyệt cho vay một cách tinh vi (sử dụng các câu hỏi nghiệp vụ tín dụng về mục đích vay, yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, địa chỉ cư trú, nghề nghiệp, mức thu nhập...). Người có nhu cầu vay vốn được đối tượng gửi cho các đường dẫn tới website, ứng dụng điện thoại và hướng dẫn thực hiện cung cấp thông tin, đăng ký tài khoản vay và các thủ tục khác để hoàn thiện hồ sơ cấp tín dụng. Tóm lại, chúng giả mạo như một hình thức cho vay của một tổ chức tín dụng đã được nhà nước cấp phép để yêu cầu khách hàng ký kết hợp đồng vay.
Khi đã hoàn tất việc giao kết hợp đồng, đối tượng yêu cầu người vay vốn chuyển trước cho chúng một khoản phí tương ứng (từ 10% đến 50% giá trị khoản vay) vào tài khoản ngân hàng đã được chỉ định sẵn tại thông báo tín dụng (giả mạo) với lý do nhằm xác thực thông tin ngân hàng của người vay. Trong trường hợp người vay không hợp tác chuyển khoản phí xác thực theo yêu câu, đôi tượng dựng chuyện về khoản vay đã được kích hoạt, tiền trong tài khoản của khách hàng sẽ bị trừ hàng tháng theo hợp đồng đã được ký kết và chúng sẽ “xếp thông tin của người vay vào danh sách lừa đảo”?! Đồng thời, chúng đe dọa sẽ tung thông tin cá nhân của khách hàng lên các mạng xã hội và các thông tin liên hệ trong danh bạ.
Ảnh minh hoạ
Còn người vay, nếu sau khi chuyển khoản tiền phí theo yêu cầu, đối tượng “vẽ” ra nhiều thứ phí khác và cuối cùng không nhận được bất kỳ khoản tiền vay nào từ chúng. Như vậy, người vay sẽ mất tiền, còn các công ty, tổ chức tín dụng thật sẽ bị mất uy tín, mất khách hàng, thiệt đơn thiệt kép. Đơn cử: Công ty tài chính cổ phần Điện Lực (gọi tắt Công ty EVNFinance) từ đầu tháng 8-2021 đã tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân trên phạm vi cả nước phản ánh sự việc liên quan đến những kẻ mạo danh là nhân viên của EVNFinance, sử dụng thương hiệu Easy Credit (một thương hiệu cho vay tiêu dùng của EVNFinance) để liên hệ những người dân có nhu cầu vay vốn rồi thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 15-11-2021, Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hải Phòng đã thông báo phương thức thủ đoạn nêu trên để người dân biết, phòng ngừa. Những ai là bị hại của vụ việc có thủ đoạn tương tự đề nghi trình báo cơ quan Công an các quận, huyện (nơi chuyển tiền) để kịp thời được giải quyết.