"CÔNG AN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG, ĐIỀU LỆNH; XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ"

Giải pháp ngăn chặn tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em

A
Cập nhật: 26/09/2022 17:18

Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, được Chính phủ và Bộ Công an quan tâm tập trung chỉ đạo quyết liệt. Công an các cấp đều bố trí lực lượng chuyên trách thực hiện công tác này. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người, nhất là phụ nữ, trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, xu hướng tăng, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ, xuyên quốc gia và quốc tế. 

Nguyên nhân của tình hình trên chủ yếu là do sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể nhiều nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa đồng đều; các biện pháp phòng ngừa xã hội hiệu quả thấp; công tác truyền thông, phổ biến và giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người còn dàn trải và hình thức, chưa tập trung; công tác tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn chậm, chủ yếu hỗ trợ nạn nhân thông qua giải cứu hoặc trao trả; hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều bất cập; phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm mua bán người ở cơ sở chưa rộng khắp…Bên cạnh đó ý thức tự bảo vệ của một bộ phận người dân chưa được coi trọng, một bộ phận không nhỏ người dân chủ quan để các đối tượng lợi dụng sơ hở thực hiện hành vi phạm tội…

Trước tình hình đó, với vai trò là Cơ quan Thường trực Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện Chương trình 130/CP, gắn với các mặt công tác nghiệp vụ nhằm tăng cường phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với tội phạm mua bán người. Đồng thời, tổ chức giải cứu, tiếp nhận, phối hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về như trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh...

Công an quận Đồ Sơn bắt giữ 3 đối tượng buôn bán trẻ em

Thời gian tới, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động mua bán phụ nữ và trẻ em, Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện tốt các công tác sau:

- Tham mưu với cấp uỷ, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 37/2012/QH13, ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và công tác thi hành án năm 2013; Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” và các chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng.

Công an quận Đồ Sơn bàn giao cháu bé bị 3 đối tượng buôn bán về với gia đình

- Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân, tăng cường cảnh giác phòng ngừa và tự giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Phối hợp các cơ quan truyền thông tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm; kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, điển hình trong phòng, chống tội phạm mua bán người.

- Tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện và xử lý triệt để các trung tâm môi giới trái pháp luật về hôn nhân có yếu tố nước ngoài, xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi nhằm hoạt động mua bán người. Tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, khắc phục những sơ hở trong quản lý người nước ngoài, quản lý nhân hộ khẩu, quản lý dịch vụ Internet... không để đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội mua bán người.

- Triển khai có hiệu quả các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người, trọng tâm là tuyến biên giới Việt Nam- Trung Quốc, Việt Nam- Cam-pu-chia. Tập trung đấu tranh, làm rõ các vụ án mua bán người, đặc biệt là các vụ án có tổ chức, xuyên quốc gia; truy bắt đối tượng phạm tội, nhất là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, đảm bảo mọi hành vi phạm tội mua bán người đều được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ án mua bán người đã xảy ra đưa ra xét xử công khai, lưu động để tuyên truyền, giáo dục, răn đe các đối tượng phạm tội khác.

- Tăng cường hợp tác quốc tế với các cơ quan thực thi pháp luật, lực lượng cảnh sát các nước trong đó tập trung thông qua kênh hợp tác Interpol, ASEANAPOL trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Các địa phương có đường biên giới duy trì giao ban, gặp gỡ, đàm phán, thiết lập đường dây “nóng” với các đơn vị, địa phương của các nước láng giềng nhằm chủ động trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tổ chức các diễn đàn truyền thông chung về phòng, chống mua bán người.

Gửi ý kiến:

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

TƯ CÁCH
NGƯỜI CÔNG AN CÁCH MỆNH LÀ:

Đối với tự mình, phải
CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH Đối với đồng sự, phải
THÂN ÁI GIÚP ĐỠ Đối với chính phủ, phải
TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH Đối với nhân dân, phải
KÍNH TRỌNG LỄ PHÉP Đối với công việc, phải
TẬN TỤY Đối với địch, phải
CƯƠNG QUYẾT, KHÔN KHÉO Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi Công an Khu XII,
ngày 11 tháng 3 năm 1948.
Lượt truy cập: 21316733
Trực tuyến: ...