Tại Điều 18, Chương III, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được Quốc hội Khóa XIV chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 11, ngày 30-3-2021, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022, đã đưa ra quy định về công tác lập hồ sơ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành hoạt động quy định tại khoản 1, Điều 12 của Luật này có trách nhiệm lập hồ sơ và báo cáo theo quy định của Chính phủ.
Cùng với đó, tại Điều 19, Chương III của Luật quy định về công tác kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh như sau:
Hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất, vận chuyển, tồn trữ, bảo quản, sử dụng, nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Theo đó, về các chất được kiểm soát, Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 bổ sung quy định kiểm soát đối với thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. Về các hoạt động hợp pháp được kiểm soát, Luật bổ sung quy định kiểm soát các hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất nhằm tăng cường quản lý các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Từ đó, góp phần nâng cao năng lực phát hiện và ngăn chặn các đối tượng phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy.