Theo quy định của pháp luật hiện hành, căn cứ nhân thân, tính chất, mức độ, hậu quả, người có hành vi trộm cắp tài sản có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Ảnh minh họa
Theo đó, trộm cắp tài sản là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự 2015 quy định đến 20 năm tù. Như vậy, mặc dù Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) so với Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) đã bỏ hình phạt cao nhất là tù chung thân, chỉ quy định mức hình phạt cao nhất đến 20 năm tù, song nhìn chung quy định này vẫn thể hiện tính nghiêm khắc, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, vừa trừng trị, vừa răn đe, giáo dục, phòng ngừa, cải tạo người phạm tội. Để ngăn chặn, làm giảm tình trạng trộm cắp trong xã hội, bên cạnh quy định về chế tài xử lý, cần thực hiện đồng bộ, tổng thể nhiều giải pháp, chính sách về kinh tế, xã hội, việc làm, thu nhập... và các biện pháp phòng ngừa, tự bảo vệ của chủ sở hữu tài sản. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công an đang phối hợp các bộ, ngành rà soát các quy định của Bộ luật Hình sự; đồng thời, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa trộm cắp tài sản, tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời đúng quy định của pháp luật về tin báo, tố giác tội phạm trộm cắp tài sản và điều tra, đề nghị truy tố xử lý nghiêm minh đối tượng trộm cắp tài sản.