Khoản 10, Điều 5, Nghị định 100/2019 quy định, với hành vi không chấp hành hiệu lệnh trong việc kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích thì người điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng. Và Khoản 11, Điều 5 của Nghị định này quy định, với hành vi không chấp hành hiệu lệnh trong việc kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích thì người điều khiển xe ô tô sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX từ 22 - 24 tháng. Đây là mức phạt tương đương với mức vi phạm nồng độ cồn mức cao nhất (trên 80 miligam/ 100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.
Theo quy định tại Nghị định 100, người đi xe đạp, xe máy nếu không chấp hành hiệu lệnh trong việc kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích cũng sẽ bị lập biên bản xử phạt ở mức cao nhất trong khung hình phạt. Theo quy định pháp luật, nếu người vi phạm chấp hành, ký văn bản thì có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ. Còn trường hợp không chấp hành như: khóa xe bỏ đi, có hành vi chửi bới lăng mạ, chống đối lực lượng chức năng hoặc không ký vào văn bản... thì vẫn bị lập biên bản, có người làm chứng và xử lý bình thường. Trường hợp này, người vi phạm sẽ bị xử phạt với mức nặng nhất.
Đối với hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng tùy vào tính chất mức độ của hành vi, hậu quả xảy ra người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với những hành vi tấn công lại lực lượng chức năng thì chắc chắn sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.