Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, 5 tháng vừa qua, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định đã tiến hành kiểm tra 10.073 xe; trong đó có 1.144 xe vi phạm, tước 395 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 7,87 tỷ đồng. Tuy nhiên, do lực lượng Thanh tra giao thông còn mỏng và chỉ kiểm soát xe quá tải trên các Quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường địa phương nên tình trạng xe quá tải vẫn tiếp diễn, lưu thông trên các Quốc lộ và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp...
Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng, các ngành, các cấp phối hợp kiên quyết xử lý xe chở vượt quá tải trọng. Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục tổ chức và triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe, bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động của các trạm cân lưu động và sử dụng cân xách tay để thực hiện công tác kiểm tra xe quá tải phù hợp với tình hình xe quá tải trên địa bàn. Ban An toàn giao thông cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp kiểm soát xe quá tải ngay từ đầu nguồn hàng, đồng thời đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đầu tư lắp đặt các trạm kiểm tra tải trọng xe tự động như mô hình trạm cân tự động do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, lắp đặt trên Quốc lộ 5 thành phố Hải Phòng.
Các sở giao thông vận tải, Cục Quản lý đường bộ chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, bến thủy nội địa, nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp, các mỏ đá, mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng... và trên các tuyến đường có nhiều xe quá tải lưu thông, đặc biệt là vào ban đêm; tổng hợp các xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam để xử lý theo quy định.