Việc nhường đường cho xe ưu tiên đã được quy định trong Luật giao thông đường bộ, nhưng trên thực tế việc nhường đường cho xe ưu tiên vẫn chưa được người dân tuân thủ, gây nên tình trạng mất ATGT cho các phương tiện khi lưu thông trên đường, nhất là khi Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI đang diễn ra, hàng ngày có đến hàng chục đoàn xe ưu tiên đi lại trên các tuyến đường của Thành phố.
Theo ghi nhận, phần lớn người dân đã có ý thức tốt trong việc chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông khi có đoàn xe ưu tiên, tuy vậy vẫn còn một bộ phận những người tham gia giao thông còn chưa chấp hành tốt. Khi thấy đoàn xe ưu tiên vẫn “đỉnh đương” đi lại, thậm chí cố tình băng cắt sang đường tại những vị trí đã được yêu cầu dừng xe. Một số trường hợp cá biệt khi được yêu cầu dừng xe còn cự cãi, chống đối lại.
Xe mô tô cố vượt lên đi song song với đoàn xe ưu tiên
Người tham gia giao thông khi gặp xe ưu tiên cần thể hiện ý thức, văn hóa giao thông. Nếu cản trở một chiếc xe cứu hỏa đang đi làm nhiệm vụ, sẽ dẫn tới thảm họa với những thiệt hại mà chúng ta không thể đo đếm được. Còn cản trở xe cứu thương trong lúc các bác sĩ đang giành giật sự sống người bệnh thì hậu quả cũng không thể lường trước.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức phạt về hành vi vi phạm “không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ” như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm (điểm h, khoản 5, Điều 5), tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
- Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm (điểm đ, khoản 4, điều 6),tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm (điểm d, khoản 2, điều 8).
Hình thức xử phạt nào cũng chỉ có thể giải quyết tạm thời, trong khi chúng ta lại đang chưa xem trọng việc giáo dục ý thức, ứng xử giao thông văn minh như thế nào. Việc gia tăng phương tiện thì lại không đồng hành với việc chấp hành giao thông văn minh... Nhiều người ý thức kém thì ngoài việc xử phạt cần tăng nặng để đủ sức răn đe thì cũng cần phải tăng cường tuyên truyền liên quan đến giáo dục văn hóa người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, việc nêu công khai danh tính, hành vi vi phạm và mức xử phạt để cộng đồng lên án thì việc làm cần thiết... bởi vì họ thấy được hành động của họ bị chê cười, bị xã hội phản đối thì hành vi đó mới được chấm dứt.