Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, nhiều nước trên thế giới khuyến khích người dân sử dụng các loại phương tiện thân thiện với môi trường, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó. Trong thời gian vừa qua, trên thị trường xuất hiện các dòng xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy “được lòng” rất nhiều các bạn trẻ, không chỉ bởi sự tiện dụng, mẫu mã đẹp mà vì còn có giá thành phù hợp.
Theo thống kê của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hải Phòng từ đầu năm 2019 đến nay đã có 12.053 xe máy điện được đăng kí mới, tổng số xe máy điện được quản lý là 98.349 xe. Qua tìm hiểu, không chỉ các bạn học sinh mà phần lớn phụ huynh còn chưa hiểu rõ các đặc điểm của từng loại phương tiện xe hai bánh cũng như quy định của Luật Giao thông đường bộ về độ tuổi sử dụng của từng loại phương tiện. Vậy qua bài viết, chúng tôi cũng muốn gửi đến các bạn độc giả có cái nhìn chính xác hơn về các loại xe này để chúng ta tham gia giao thông một cách an toàn nhất. Xe máy điện và xe đạp điện đều hoạt động bằng động cơ điện, xuất hiện trên thị trường trong thời gian gần đây. Tuy thuộc dòng xe chạy điện nhưng mỗi sản phẩm lại có những đặc điểm riêng mà người dùng cần biết để phân biệt. Hiện nay, mức giá trung bình của xe đạp điện chỉ tầm 7-10 triệu đồng, trong khi đó xe máy điện lên tới 12-15 triệu đồng. Trên thực tế người dùng sử dụng xe đạp điện nhiều hơn so với xe máy điện bởi nó thiết kế khá nhỏ gọn, dễ thay thế cho chiếc xe đạp.
Xe đạp điện-có thiết kế nhỏ gọn và bàn đạp nên rất được ưa chuộng trên thị trường)
- Đặc điểm nhận biết xe máy điện và xe đạp điện:
+ Công suất động cơ
Xe đạp điện có công xuất trung bình 250W, vận tốc trung bình 25km/h.
Xe máy điện có công suất trung bình 500W trở lên, vận tốc từ 35-60 km/h.
Như vậy, có thể thấy được công suất hoạt động xe máy điện cao hơn rất nhiều so với xe đạp điện.
+ Thiết kế - mẫu mã
Chiếc xe đạp điện được thiết kế khá đơn giản, kiểu dáng của nó gần giống một chiếc xe đạp bình thương có gắn thêm động cơ, pin và bộ điều khiển. Khối lượng của một chiếc xe đạp điện tầm 40kg trở xuống, ngoài ra nó còn có bàn đạp trợ lực cho hệ thống điện để khi xe hết điện người sử dụng có thể đạp để di chuyển.
Xe máy điện có kiểu dáng tương tự một chiếc xe máy nhưng hoạt động bằng động cơ điện, khối lượng trung bình lớn hơn 40 kg. Tuy nhiên do không có bàn đạp trợ lực nên khi xe bị hết điện thì không thể điều khiển được, đây chính là điểm bất lợi của người dùng khi sử dụng xe máy điện.
+ Độ tuổi điều khiển phương tiện: người điều khiển xe máy điện phải từ 16 tuổi trở lên, còn xe đạp điện không quy định độ tuổi sử dụng.
+ Công tác quản lý: xe máy điện phải được đăng ký cấp biển số để quản lý (tương tự như xe mô tô), còn xe đạp điện thì không cần đăng ký.
(Xe máy điện phải đăng ký trước khi sử dụng)
Các loại xe trên hầu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan… độ bền không cao, chế độ giảm xóc tương đối kém và gần như tất cả các xe đều có tốc độ thực tế cao hơn rất nhiều so với thông số ban đầu mà các nhà sản xuất đưa ra. Bởi vậy trong thời gian qua đã có rất nhiều các vụ va chạm, tai nạn giao thông liên quan đến các em học sinh điều khiển loại phương tiện này.
Để phòng ngừa vi phạm, tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, đề nghị Nhà trường, gia đình tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho các em học sinh biết và sử dụng đúng loại phương tiện phù hợp với độ tuổi./.