Sau 2 tháng thực hiện cao điểm về trật tự an toàn giao thông theo Kế hoạch số 299/KH/BCA-C08 của Bộ Công an, tình hình trật tự an toàn giao thông tại Hải Phòng đã có thay đổi tích cực từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tình hình TTATGT, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, trách nhiệm của người thi hành công vụ. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) so với thời gian trước và không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Công an thành phố đã bố trí gần 4.000 lượt tổ công tác, gồm hơn 20.000 lượt CBCS thực hiện tuần tra kiểm soát các tuyến giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Xử lý vi phạm gần: 8.200 trường hợp; ra quyết định xử phạt: hơn 21 tỷ đồng. Tước GPLX, bằng, chứng chỉ chuyên môn hơn 2.000 trường hợp. Tạm giữ: 369 ôtô; 2.262 môtô; 06 phương tiện khác. Các hành vi tập trung xử lý nhiều bao gồm: Vi phạm chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, vi phạm “cơi nới” thành, thùng xe, chở hàng quá tải trọng…
Đại tá Bùi Trung Thành, Phó Giám đốc CATP phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra công tác tại Phòng Cảnh sát đường bộ - đường sắt
Sơ kết 2 tháng cao điểm, Công an TP Hải Phòng đã tiến hành thảo luận đánh giá các mặt công tác đã đạt được, những hạn chế còn vướng mắc và đưa ra các phương hướng, giải pháp thực hiện trong thời gian tiếp theo để đảm bảo yêu cầu công tác đã đề ra. Lãnh đạo công an thành phố yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu công tác năm 2022; tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các biện pháp công tác trong thời gian còn lại của kế hoạch cao điểm. Chú trọng công tác nắm, dự báo tình hình để tham mưu, chỉ đạo thực hiện.
Cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; huy động tối đa lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm. Sau cao điểm, việc xử lý vi phạm vẫn được duy trì thường xuyên, liên tục nhất là trên các tuyến, địa bàn và vào các khung giờ có nguy cơ tiềm ẩn gây ra các vụ TNGT, để tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện. Từ đó, kéo giảm vi phạm và tai nạn giao thông.