"CÔNG AN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG, ĐIỀU LỆNH; XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ"

Thống nhất cao việc xây dựng Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; không hình thành tổ chức mới, không tăng biên chế, không tăng ngân sách

A
Cập nhật: 15/03/2022 07:00

Tại Hội thảo khoa học "Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở" do Bộ Công an tổ chức theo hình thức trực tuyến sáng nay, 14/3/2022, với gần 6000 đại biểu tham gia, 60 bài tham luận, 11 ý kiến phát biểu, đã tập trung tham luận, góp ý kiến, phân tích cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn để làm rõ sự cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân điều hành tham luận tại Hội thảo.

Tham luận với chủ đề “Xây dựng dự án luật về Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở - Những căn cứ lý luận và thực tiễn”, GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: Đại hội XIII của Đảng nêu rõ, “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”.
Trong nhận thức lý luận và thực tiễn, không chỉ coi trọng an ninh quốc gia, từ an ninh kinh tế, an ninh chính trị và tư tưởng, bảo đảm ANTT, an toàn xã hội, tăng cường kỷ cương, đề cao pháp luật và pháp chế để thực hành dân chủ, đảm bảo quyền làm chủ thực chất của người dân mà còn phải đặc biệt coi trọng an ninh con người, làm cho mỗi người dân được sống trong môi trường xã hội an toàn, có cuộc sống ổn định, có triển vọng phát triển.

GS.TS Hoàng Chí Bảo phát biểu tham luận tại Hội thảo.

GS. TS Hoàng Chí Bảo cũng phân tích nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của cơ sở và bảo vệ ANTT theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng; nhấn mạnh vai trò của cấp cơ sở trong hệ thống 4 cấp của chính quyền và nền hành chính của nước ta, khẳng định tuy cơ sở là cấp thấp nhất nhưng lại rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định.
Trên quan điểm chính trị - pháp lý cũng như ý nghĩa, giá trị nhân văn, việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, thực chất là bảo vệ dân. Mục tiêu phát triển bên vững phải luôn định hướng vào phát triển bền vững cuộc sống của con người… GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật, tiến tới ban hành và thực hiện “Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở” là cấp thiết, cấp bách nhằm thể chế hoá, cụ thể hoá quan điểm tư tưởng của Đảng ta nhằm phục vụ và bảo vệ dân, thấm nhuần quan điểm quần chúng, quan điểm nhân dân của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt trong bối cảnh, tình hình hiện nay.

Việc ban hành Luật lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở là cần thiết trong giai đoạn hiện nay

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng luận giải thêm, bảo vệ ANTT ở cơ sở chính là chủ động giải quyết, xử lý những vấn đề xảy ra ngay từ lúc mới phát sinh, còn là mầm mống để góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Để bảo vệ ANTT ở cơ sở, ngoài lực lượng Công an chính quy làm nòng cốt, cần phải có sự tham gia rộng rãi của lực lượng toàn dân. Việc hình thành, phát triển lực lượng này ở cơ sở là tất yếu ở mọi gian đoạn của cách mạng Việt Nam. 

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Tài phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo đảm ANTT, cần phải tiếp tục xây dựng, củng cố, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng làm nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở. Đây cũng chính là một yếu tố quan trọng trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. “Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là một công cụ của Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, do vậy, cần phải được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật. Cần phải pháp điển hóa tất cả các quy định của pháp luật đã có từ trước, có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển để phù hợp với yêu cầu xây dựng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong thời kỳ mới", Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh.
Tham luận về vấn đề “Các thành tố cấu thành và phương hướng hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”, Đại tá, TS Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an cho biết, trong những năm qua, lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở đã phát huy được vai trò đặc biệt quan trọng, tham mưu trực tiếp cho cấp uỷ, chính quyền cơ sở, là chỗ dựa vững chắc cho người dân trong đảm bảo ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; đồng thời cho biết, trong điều kiện hiện nay, nhiệm vụ bảo đảm ANTT ngày càng nặng nề hơn, yêu cầu đặt ra phải tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách và tiếp tục duy trì, xây dựng, củng cố các lực lượng, mô hình, phong trào quần chúng bảo vệ ANTT ở cơ sở, góp phần xây dựng nền an ninh nhân dân, giữ vững ANTT ở địa bàn; tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách; phát huy sức mạnh các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và các lực lượng khác ở cơ sở. 

Đại tá, TS Đỗ Khắc Hưởng phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Từ phân tích các thành tố cấu thành và phương hướng hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức, hoạt động của lực lượng này. Đại tá, TS Đỗ Khắc Hưởng nhấn mạnh, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức sẽ không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động mà tiếp tục sử dụng lực lượng đang hiện có, không làm tăng chi ngân sách, tinh gọn đầu mối; bảo đảm linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; khắc phục sự trùng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật.

Xác định vai trò của lực lượng dân phòng trong bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn, Thiếu tướng, TS Lê Xuân Thành, Phó Giám đốc học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng nêu rõ: Lực lượng dân phòng là một bộ phận của lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở, là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia vào tổ, đội, làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về bảo đảm ANTT tự trên địa bàn cấp xã, hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở. Lực lượng này chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân, quản lý của uỷ ban nhân dân cấp xã và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Công an cấp xã… 

Thiếu tướng, TS Lê Xuân Thành phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Thiếu tướng, TS Lê Xuân Thành nhấn mạnh, từ đòi hỏi của thực tiễn, cần thiết phải duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở. Việc xây dựng Luật lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở là cần thiết, song cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, điều kiện bảo đảm và hành lang pháp lý để phát huy tốt hơn nữa vai trò của lực lượng dân phòng trong bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở trong thời kỳ mới.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và Công an tỉnh Thái Nguyên hết sức ủng hộ việc xây dựng và ban hành Luật lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở.
Tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Thái Nguyên cho biết đã từng được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên cương vị là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và nhiều lần phát biểu về sự cần thiết phải xây dựng dự án luật này. 
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, lực lượng Công an chính quy về công tác ở xã đã đóng góp nhiều cho sự đổi thay ở xã, các đồng chí giỏi nghiệp vụ, được đào tạo bài bản, lập biên bản vụ va chạm giao thông rất tốt..., tuy nhiên trong giải quyết các vụ việc ở cơ sở, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, việc nói tiếng đồng bào, nắm bắt mối quan hệ "dây mơ rễ má" từ các thôn, bản, việc nắm bắt tình hình còn khó khăn, trong khi việc này ở lực lượng bảo đảm ANTT ở cơ sở nhuần nhuyễn hơn. 
Khẳng định nếu ANTT không đảm bảo thì địa phương sẽ không làm được gì, "đầu tư tốt nhất là đầu tư cho cấp cơ sở", băn khoăn lớn nhất là về chế độ chính sách của lực lượng này, đồng chí nêu quan điểm và đề nghị cho địa phương quyền chủ động cân đối, bố trí thêm ngân sách cho lực lượng này.
Đồng chí Bí thư cũng nhấn mạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và Công an tỉnh Thái Nguyên hết sức ủng hộ việc xây dựng và ban hành Luật lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở. "Sự ra đời của luật này là vì sự đảm bảo an ninh của các địa phương để phát triển kinh tế - xã hội. Việc đầu tư về mặt ngân sách là tương xứng, hiệu quả; hiệu quả về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội thì còn hơn thế nhiều. Lực lượng này sẽ cùng với Dân quân tự vệ gánh vác thêm các nhiệm vụ, bảo đảm ANTT cho bà con ở địa bàn...", đồng chí phân tích.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của lãnh đạo các địa phương đều cho rằng, các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã phát huy rất tốt vai trò của hỗ trợ lực lượng chuyên trách trong bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, hoá giải các mâu thuẫn, phòng ngừa tội phạm. Chính vì vậy, việc chuẩn hoá lại bằng luật, nhận diện rõ lại các lực lượng không chuyên trách hỗ trợ lực lượng chuyên trách đúng bằng tên gọi, chức năng, nhiệm vụ và có chính sách hỗ trợ, đồng thời tích hợp với các dự án luật khác thành một thể thống nhất, xuyên suốt là cần thiết…
Đồng chí Thứ trưởng cũng khẳng định việc xây dựng Luật này không vì lợi ích riêng của Bộ, ngành mà vì lợi ích chung của đất nước và của toàn dân, bảo vệ lợi ích của chính các lực lượng bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở. Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân đều có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất ban hành, hoàn thiện chính sách pháp luật. Đồng thời khẳng định Bộ Công an, Ban Soạn thảo dự án Luật sẽ nghiêm túc tiếp thu những ý kiến quý báu, tâm huyết tại Hội thảo để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện cho phù hợp trước khi trình Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp sắp tới của Quốc hội khóa XV…
Phát biểu bế mạc Hội thảo, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và Ban Tổ chức Hội thảo Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc và khẳng định việc ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là hết sức cần thiết. Đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là lực lượng có lịch sử hình thành và hoạt động lâu dài, ngay từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và có nhiều đóng góp đối với đất nước. Từ thực tiễn công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong thời gian qua cho thấy: khi lực lượng Công an chính quy được bố trí đảm nhiệm các chức danh Công an xã thì lực lượng bán chuyên trách được hướng dẫn hoạt động ngày càng bài bản, tổ chức hoạt động ngày càng hiệu quả hơn; thực tế lực lượng này đang được điều chỉnh bởi nhiều hệ thống pháp luật, việc thực hiện chế độ chính sách còn hạn chế và thiếu thống nhất. Nếu chậm luật hóa việc tổ chức và hoạt động của lực lượng này sẽ ảnh hưởng tới an ninh, trật tự.

Gửi ý kiến:

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

TƯ CÁCH
NGƯỜI CÔNG AN CÁCH MỆNH LÀ:

Đối với tự mình, phải
CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH Đối với đồng sự, phải
THÂN ÁI GIÚP ĐỠ Đối với chính phủ, phải
TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH Đối với nhân dân, phải
KÍNH TRỌNG LỄ PHÉP Đối với công việc, phải
TẬN TỤY Đối với địch, phải
CƯƠNG QUYẾT, KHÔN KHÉO Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi Công an Khu XII,
ngày 11 tháng 3 năm 1948.
Lượt truy cập: 21321666
Trực tuyến: ...