Trong thời gian gần đây, với tình trạng "bùng nổ" của loại xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 (đăng ký biển AA) tràn vào thị trường Hải Phòng, rất nhiều gia đình đã nhanh chóng trang bị cho con em mình để sử dụng đi tới trường. Với sự tiện dụng của loại phương tiện này như: xe nhỏ gọn, người điều khiển phương tiện không cần phải tham gia lớp học kỹ năng hoặc kiểm tra sát hạch để cấp giấy phép lái xe... nên nhiều phụ huynh sẵn sàng sắm cho con đi học. Theo quy định của pháp luật, học sinh từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đủ điều kiện để điều khiển loại xe biển AA tham gia giao thông.
Hiện nay, hầu hết các trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng đều có học sinh sử dụng loại xe biển AA để đến trường. Tuy nhiên, khi bước chân đến trường THPT Quốc Tuấn - Huyện An Lão, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về phương pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh của Nhà trường. Với 747 xe máy điện, 111 xe đạp điện được sắp xếp thẳng hàng, ngay ngắn trong khu vực nhà xe, trên mỗi xe đều có mũ bảo hiểm đạt chuẩn, chúng tôi không thể tìm thấy có một chiếc xe biển AA nào trong đó. Trao đổi với thầy Hiệu trưởng Phạm Huy Hùng, thầy cho biết: "Mặc dù pháp luật cho phép các em được điều khiển xe gắn máy dưới 50cm3, nhưng Ban giám hiệu nhà trường đã chủ động liên hệ, trao đổi, phân tích với phụ huynh học sinh về những yếu tố tiềm ẩn mất an toàn cho các em khi điều khiển loại phương tiện này, qua đó vận động phụ huynh đổi sang phương tiện xe điện cho các em. Chính vì vậy, hiện nay tất cả học sinh đang theo học tại trường đều chỉ sử dụng loại xe đạp điện hoặc xe máy điện".
Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu nhà trường rất quan tâm đến việc giáo dục các em học sinh thực hiện tốt các quy định khi điều khiển xe đạp điện, xe máy điện tham gia giao thông như: xe máy điện phải có biển số xe, phải mang theo đăng ký xe; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn (có 3 lớp) và đúng quy cách; phải dắt xe khi vào cổng trường và chỉ được đi xe sau khi đã ra khỏi cổng trường... Đồng thời, các thầy cô giáo đã phối hợp với Đoàn thanh niên chủ động, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành Luật giao thông đường bộ của học sinh tại khu vực cổng trường, khu vực có đèn tín hiệu giao thông và các tuyến đường lân cận; kịp thời nhắc nhở, có biện pháp xử lý đối với các em học sinh cố tình vi phạm.