Phần 1: Theo chân lực lượng chức năng xử lý “Những đứa con của thần gió”
Thời gian gần đây, trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng, từ báo giấy, báo điện tử cho đến các trang mạng xã hội…đâu đâu cũng nhản nhản hình ảnh các em thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và đặc biệt là loại xe có dung tích xi lanh dưới 50cc lạng lách, đánh võng trên đường giao thông. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) cho chính các em và những người đi đường khác.
Các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng tình trạng này vẫn còn tiếp diễn hết sức phức tạp và khó lường, tại sao lại như vậy??? Có mặt tại một buổi “chống đua” của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hải Phòng chúng tôi mới thấy hết sự vất vả và phức tạp của công việc này. Sau khi họp phân công nhiệm vụ, tuyến, địa bàn cho từng tổ công tác, chúng tôi bắt đầu theo chân các anh ra điểm chốt. Ngay lúc ra đến nơi đã có rất nhiều đối tượng chụp ảnh, livestream đưa lên mạng xã hội để thông báo cho nhau qua các nhóm kín. Thậm chí nhiều đối tượng còn đi theo lực lượng hoá trang để quay trực tiếp như một “nhà báo” thực thụ. Tôi được bố trí ngồi sau một thành viên của tổ công tác để ghi nhận tình hình, khi ra đến đường 353 thì mới cảm thấy “biết sợ”. Một số đối tượng điều khiển xe tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, tạt đầu nhiều phương tiện ô tô. Với tốc độ như vậy quả không sai khi các anh gọi vui những đối tượng này là: “Những đứa con của thần gió”.
Các đối tượng điều khiển xe tốc độ cao tại đường 353
Khi phát hiện đối tượng, lực lượng trinh sát báo cho các mũi triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch phân công từ trước, lực lượng hoá trang lập tức bám theo những đối tượng này trong một khoảng thời gian dài, đồng thời lực lượng công khai chuẩn bị sẵn những điều kiện thuận lợi ở phía trên. Khi phù hợp lập tức hai xe hoá trang áp sát các đối tượng này và yêu cầu dừng xe kiểm tra cùng lực lượng công khai đã chốt chặn tại đây từ trước. Cách làm tuy đơn giản nhưng hiệu quả và quan trọng là sự an toàn của các đối tượng và cả lực lượng làm nhiệm vụ.
Các đối tượng tại cơ quan chức năng
Khi đưa các đối tượng này về trụ sở để làm việc thì rất nhiều trong số đó có độ tuổi từ 16 đến dưới 18. Đặc biệt có trường hợp bị bắt xử lý đến 2 lần, mặc dù mới sinh ngày 08/10/2005, nghĩa là phải đến 6 tháng nữa mới tròn 16 tuổi. Khi mời người giám hộ và bố mẹ các em lên thì mới thấy sự “khổ tâm” của họ trong việc quản lý con, em của mình. Mỗi gia đình lại một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đa phần những em học sinh này đều có một hoàn cảnh “đặc biệt”, bị các bạn bè lôi kéo, rồi lại đi lôi kéo người khác. Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính về các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính”. Tại Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “xử phạt cảnh cáo đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Đối với một Quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức Cảnh cáo có lẽ không đủ sức răn đe, giáo dục đối với các em. Điều này lý giải cho lý do vì sao một em lứa tuổi học sinh tái phạm cùng một hành vi điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng.
Có lẽ, cần có chế tài đủ mạnh tạo sức lan toả như khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ra đời khiến nhiều “ma men” không dám điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra một yếu tố then chốt chính là sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý các em, cũng như thay đổi nhận thức của từng vị phụ huynh trong việc dạy bảo, hướng lái con em mình. Nếu không chắc có lẽ chúng ta mãi mãi chỉ đi xử lý “phần ngọn” của vấn đề này.
Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hải Phòng