Đó là mục đích quan trọng của việc xây dựng dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Đồng thời, xây dựng dự thảo Luật còn có mục đích bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế.
Công dân từ đủ 18 tuổi trở lên, đủ sức khoẻ, có trách nhiệm tham gia lực lượng dân phòng, PCCC và CNCH cơ sở, chuyên ngành được thành lập ở thôn, tổ dân phố hoặc nơi làm việc khi có yêu cầu.
Tại dự thảo Tờ trình nêu rõ: Theo thống kê trong 10 năm trở lại đây, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đã trực tiếp thực hiện nhiệm vụ CNCH được 20.857 vụ; trong đó thực hiện CNCH đối với 13.613 vụ cháy; cứu được 6.468 người; tìm kiếm được 3.129 xác nạn nhân bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý.
Theo đó, dự thảo Luật này đã bổ sung quy định về phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động CNCH để cụ thể hoá và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; đồng thời, bổ sung và quy định bao quát hơn các nội dung có liên quan đến quản lý về PCCC đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Dự thảo Luật cũng kế thừa, bổ sung các quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy, trong đó bổ sung quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và nâng cao hơn nữa yêu cầu, trách nhiệm trong việc quản lý, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bỏ các nội dung hiện đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bao gồm: Phòng cháy đối với rừng; phòng cháy đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; phòng cháy trong khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng, bảo quản sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, vật tư, hàng hóa khác có nguy hiểm về cháy, nổ; phòng cháy đối với công trình cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm, đường hầm, hầm lò khai thác khoáng sản, nhà khung thép mái tôn; phòng, chống cháy, nổ đối với cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; phòng cháy đối với cơ sở hạt nhân; phòng cháy đối với trụ sở làm việc, thư viện, bảo tàng, kho lưu trữ; phòng cháy đối với chợ, trung tâm thương mại, kho tàng.
Về công tác chữa cháy, CNCH, Nghị định số 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC hiện đang quy định Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về CNCH đối với những sự cố, tai nạn xảy ra trong đời sống hằng ngày và thực tiễn thi hành cho thấy, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH với vai trò làm nòng cốt cùng với các lực lượng PCCC ở cơ sở đã phát huy hiệu quả quan trọng trong việc thực hiện các hoạt động CNCH đối với các tình huống tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao...
Toàn văn dự thảo Luật được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây: bocongan.gov.vn/pbgdpl/van-ban-moi/dap-ung-yeu-cau-thuc-tien-va-tang-cuong-hieu-luc-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-ve-phong-chay-chua-chay-t1239.html