"CÔNG AN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG, ĐIỀU LỆNH; XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ"

Đội Cảnh sát giao thông trật tự - Công an quận Hải An: Tìm hiểu về phòng chống tham nhũng

A
Cập nhật: 07/07/2023 06:58

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết “ Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ. Nó là kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm mang súng mà nó nằm trong các tổ chức ta để làm hỏng công việc của ta”. Lời bác dạy luôn sâu sắc và đúng với mọi thời đại, khắc ghi lời dạy đó Đảng và nhà nước ta luôn chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Vậy “Tham nhũng” là gì?

Có định nghĩa “Tham nhũng” là một vấn đề hết sức nhạy cảm bởi tham nhũng cùng với lãng phí đã gây thiệt hại lớn về tài sản Nhà nước, làm băng hoại đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên; xâm hại trực tiếp công lý và công bằng xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, là nguy cơ đe  dọa sự sống còn của chế độ ta.

Cán bộ Đội Cảnh sát Giao thông trật tự- Công an quận Hải An hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công

Ảnh hưởng của “Tham nhũng” lớn ra sao?

Tham nhũng cản trở quá trình phát triển kinh tế. Tham nhũng làm đảo lộn các giá trị đạo đức. Tham nhũng làm vẩn đục các quan hệ xã hội. Nguy hiểm hơn là tham nhũng đang hình thành như một thói quen tồn tại như một thứ luật bất thành văn trong đời sống xã hội diễn ra trên diện rộng và trở thành một nét ứng xử bị “vật chất hóa”, “tiền bạc hóa” đến nỗi ai cũng lên án nó nhưng ít ai thoát được khỏi vòng xoáy của nó. Và thế là tham nhũng tiếp tục hoành hành và trở nên trầm trọng hơn, bấp chấp các thể chế mà Đảng và Nhà nước đưa ra để đối phó với nó. Nếu không kịp thời ngăn chặn thì đến một chừng mực nào đó tham nhũng cùng với những tác nhân khác sẽ gây mất ổn định chính trị, kinh tế- xã hội, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Nhận định đúng đắn và tầm quan trọng của tham nhũng, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của lực lượng Công an nhân dân (CAND) luôn được Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an quan tâm chỉ đạo, thực hiện, đạt kết quả quan trọng trên các mặt công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ và công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng thuộc trách nhiệm của lực lượng CAND.Từ tình hình thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CAND, để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Thanh tra Bộ đã tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương ban hành Nghị quyết số 02-NQ/ĐUCA ngày 07/11/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của lực lượng CAND; Chỉ thị số 04/CT-BCA ngày 07/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của CAND, đồng thời ban hành nhiều văn bản về công tác hậu cần, quản lý tài chính, tài sản; các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong CAND nhằm thực hiện minh bạch, công khai hoá về chế độ, định mức, tiêu chuẩn góp phần phòng ngừa tham nhũng. Các văn bản này đã và đang được thực hiện có hiệu quả trong lực lượng CAND.

Mặt khác để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, Thanh tra Bộ Công an đã xây dựng giải pháp công tác trọng tâm:

Một là, tiếp tục xây dựng, bổ sung, sửa đổi, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản về phòng, chống tham nhũng. Tập trung chỉ đạo xây dựng, bổ sung, sửa đổi, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản về phòng, chống tham nhũng theo Kế hoạch số 21-KH/ĐUCA của Đảng ủy Công an Trung ương thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kế hoạch số 49-KH/ĐUCA của Đảng ủy Công an Trung ương thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Nghị quyết số 02/NQ/ĐUCA của Đảng uỷ Công an Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của lực lượng Công an nhân dân; Chỉ thị số 04/CT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Công an nhân dân; Luật Phòng, chống tham nhũng, Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tổ chức thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp của lực lượng Công an nhân dân”.

Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết tố cáo, phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm hành vi tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ Công an. Tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-BCA của Bộ trưởng về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

Chủ động nắm tình hình, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của các cuộc thanh tra, kiểm tra và giải quyết tố cáo tham nhũng, chú ý công tác thanh tra đột xuất, tập trung thanh tra những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, nơi có nhiều dư luận phản ánh, đơn thư tố cáo, tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn những cán bộ có trình độ, năng lực, có hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực thanh tra. Thường xuyên tiến hành và nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Cán bộ Đội Cảnh sát Giao thông trật tự- Công an quận Hải An hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công tại bộ phận "Một cửa" để thực hiện phòng, chống tham nhũng

Tham mưu, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương thiết lập, duy trì hoạt động đường dây điện thoại nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phản ánh về hiện tượng tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ Công an. Khi cần thiết, thành lập các Tổ thanh tra đặc biệt để tiến hành thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn,chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an. Tập trung xác minh, kết luận, kiến nghị xử lý kịp thời, đúng quy định các tố cáo tham nhũng. Tạo cơ chế để cán bộ, chiến sĩ Công an tham gia phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng.

Tham mưu, kiến nghị xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tiêu cực, tham nhũng và hành vi khác có liên quan đến tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ Công an, dù bất kể người đó ở cương vị nào; thông báo công khai trong toàn lực lượng Công an nhân dân các vụ việc tham nhũng và danh tính những cán bộ, chiến sĩ sai phạm để giáo dục, phòng ngừa, răn đe.

Ba là, chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, như: Tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; công tác cán bộ; công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; quy tắc ứng xử; chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; cải cách hành chính, cải cách tư pháp và thực hiện quy chế dân chủ trong Công an nhân dân...

Bốn là, tham mưu cho Bộ trưởng chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Công an nhân dân. Chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch, biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí sát hợp, kịp thời, đồng thời phát huy vai trò nòng cốt trong việc tổ chức, thực hiện các chương trình, kế hoạch, biện pháp đã đề ra. Xây dựng kế hoạch của Ban chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kế hoạch sơ kết, tổng kết...Chuẩn bị nội dung, tài liệu họp Ban chỉ đạo định kỳ theo Quy chế. Tham mưu củng cố, kiện toàn về tổ chức, tăng cường, bổ sung cán bộ có chất lượng cho Cơ quan Thanh tra, Cơ quan Điều tra các cấp trong Công an nhân dân, nhất là các đơn vị Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng; đề xuất kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, pháp luật, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ làm công tác này, đảm bảo đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.

Như vậy, lực lượng CAND đã chỉ ra và vạch rõ rõ vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ chiến sĩ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là: “Mọi cán bộ chiến sĩ từ trung ương đến cơ sở, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Có như vậy mới củng cố toàn vẹn niềm tin của nhân dân, góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ bình yên nhân dân.  

Đại úy Cao Thị Tuyết Nhung Đội Cảnh sát GTTT- Công an quận Hải An

Gửi ý kiến:

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

TƯ CÁCH
NGƯỜI CÔNG AN CÁCH MỆNH LÀ:

Đối với tự mình, phải
CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH Đối với đồng sự, phải
THÂN ÁI GIÚP ĐỠ Đối với chính phủ, phải
TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH Đối với nhân dân, phải
KÍNH TRỌNG LỄ PHÉP Đối với công việc, phải
TẬN TỤY Đối với địch, phải
CƯƠNG QUYẾT, KHÔN KHÉO Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi Công an Khu XII,
ngày 11 tháng 3 năm 1948.
Lượt truy cập: 21359837
Trực tuyến: ...