Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu, gồm: Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định về dữ liệu; Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
|
Bộ Công an kết nối, ứng dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. |
Theo đó, đánh giá chung về kết quả thi hành các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về dữ liệu, dự thảo Báo cáo nêu rõ: Những năm qua, thực hiện các quy định pháp luật có liên quan đến dữ liệu đã cho thấy sự quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển đối với lĩnh vực này, góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của dữ liệu tại Việt Nam. Dữ liệu đã trở thành nguồn tài nguyên quý giá và là yếu tố quan trọng tạo ra giá trị kinh tế. Phát triển dữ liệu tạo nền tảng cho triển khai, đảm bảo cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định pháp luật để phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Thực hiện văn bản pháp luật có quy định về dữ liệu đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm mới sáng tạo; nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đẩy mạnh việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, địa phương, đặc biệt là dữ liệu từ các CSDL quốc gia, các hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ trung ương đến địa phương giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu, nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân, doanh nghiệp theo hướng lấy người dân làm trung tâm, người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin thủ công, nhiều lần cho cơ quan nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ, tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí.
Việc triển khai thi hành văn bản pháp luật về dữ liệu đã góp phần hoàn thiện pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về dữ liệu, nâng cao vị trí của Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới và đảm bảo an ninh, an toàn, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh những ưu điểm, hiệu quả đã đạt được thì vẫn tồn tại một số hạn chế như: Hành lang pháp lý về dữ liệu của nước ta vẫn còn chưa đầy đủ; Chưa có tiêu chuẩn về dữ liệu thống nhất dẫn đến đang có nhiều loại dữ liệu gồm các độ mật dữ liệu, dữ liệu nhạy cảm, dữ liệu mở… cơ chế kết nối, chia sẻ giữa các đơn vị không thống nhất và phù hợp.
Các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành, hạ tầng thông tin có quy mô từ trung ương đến địa phương có tính chất nền tảng chậm được triển khai, đưa vào khai thác trên quy mô quốc gia (điển hình như CSDL đất đai quốc gia).
Hạ tầng dữ liệu quốc gia còn rời rạc, chất lượng không đồng đều và chưa cao. Đồng thời, sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu để tạo lập nguồn tài nguyên dữ liệu quốc gia quan trọng còn yếu và thiếu đồng bộ chưa đáp ứng tốt việc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Kinh phí đầu tư trang bị hạ tầng, trung tâm dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và kết quả mang lại chưa tương xứng. Nhân lực về công nghệ thông tin còn hạn chế.
Việc chia sẻ dữ liệu quốc gia nói riêng và các CSDL từ trung ương tới địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu; dữ liệu của doanh nghiệp nằm một cách rời rạc, cục bộ, khép kín trong phạm vi của mỗi doanh nghiệp. Dữ liệu cá nhân vẫn bị khai thác, mua bán trái pháp luật; an ninh, an toàn thông tin tại một số cơ quan chưa đảm bảo…
Vì vậy, đề xuất, kiến nghị xây dựng Luật Dữ liệu với bốn chính sách lớn, gồm:
- Chính sách 1. Quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu.
- Chính sách 2. Quy định về CSDL tổng hợp quốc gia.
- Chính sách 3. Quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia.
- Chính sách 4. Quy định về sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.
Theo dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu, tại nước ta, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, có các nhiệm vụ về “khuyến khích đầu tư, phát triển xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn” (Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị); “Hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất” (Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-09-2019 của Bộ Chính trị); “đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm dữ liệu khu vực. Xây dựng các trung tâm dữ liệu gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế; phát triển các cụm trung tâm dữ liệu quốc gia tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam.” (Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội); “Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia” (Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2023 của Chính phủ)...
Quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu đã đạt được một số kết quả tích cực như: Bước đầu khởi tạo và hình thành được 07 Cơ sở dữ liệu quốc gia; một số Cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân; hạ tầng công nghệ xây dựng các Trung tâm dữ liệu bước đầu được quan tâm đầu tư hơn...
Hiện nay việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương đang được triển khai thực hiện quyết liệt đem lại những kết quả thiết thực, phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tiết kiệm được chi phí trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu riêng hoặc không cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu riêng khi đã được kết nối, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay. Do vậy, việc xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với dữ liệu gắn với con người và các dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số. Hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước và doanh nghiệp từ đó triển khai các giải pháp kết nối để chia sẻ, sử dụng lại và phát triển các mô hình/ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu để tạo ra nhiều giá trị mới, sản phẩm dịch vụ mới và động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn chuyển đổi số của Việt Nam...
Qua rà soát, Bộ Công an thấy có 69 Luật đang quy định về Cơ sở dữ liệu (Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành). Trong đó, chỉ có một số luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu trong việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu. Hiện nay trên cơ sở các quy định pháp luật, các bộ ngành, địa phương đã triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong đó có gần 40 cơ sở dữ liệu quốc gia và gần 50 cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Tuy nhiên, hầu hết các luật đều không quy định cụ thể hoặc thống nhất về việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong các cơ sở dữ liệu; chưa có luật nào quy định về các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, điều chỉnh các nền tảng phát triển, ứng dụng dữ liệu đang có xu hướng phát triển phổ biến trên thế giới như công nghệ trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối, công nghệ truyền thông dữ liệu, công nghệ internet vạn vật và công nghệ dữ liệu lớn…
Do đó, cần có Luật Dữ liệu để điều chỉnh các vấn đề nêu trên nhằm thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Toàn văn dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định về dữ liệu và dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.