Chiều 28/11/2023, với 386 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 78,14 % tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở. Luật gồm 5 chương, 33 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Trước khi bấm nút thông qua, Quốc hội đã nghe Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh trình bày báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Qua đó nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở nhằm thể chế chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn ANTT ở cơ sở.
Dự án luật đã được xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội; ý kiến tham gia của các cơ quan của Đảng, Quốc hội, bộ, ngành, UBND; cơ quan, tổ chức có liên quan, kết hợp với kết quả của nhiều cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm ở nhiều cấp với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động. Đồng thời, các tài liệu có trong Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhất là dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH và Báo cáo đánh giá chế độ, chính sách, kinh phí, nguồn nhân lực của Chính phủ đã thể hiện rõ sự cầu thị trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện, tính hợp lý và khả thi của dự thảo Luật.
|
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. |
So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội khóa XIV thì dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 5 và được tiếp thu, chỉnh lý tại Kỳ họp thứ 6 đã thay đổi cơ bản về tính chất, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, tiêu chuẩn, tổ chức, phương thức thành lập, quan hệ phối hợp của lực lượng này, cơ chế quản lý, phân công, hướng dẫn lực lượng này hoạt động. Nổi bật là việc xác định đây là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trước mắt, là lực lượng được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng; được bố trí thành Tổ bảo vệ ANTT gồm có Tổ trưởng, Tổ phó và Tổ viên phụ trách tại một hoặc một số thôn, tổ dân phố. Nhiệm vụ chủ yếu là hỗ trợ Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở, đồng thời thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, phù hợp với khả năng, trình độ của lực lượng này.
|
Các đại biểu bấm nút thông qua dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. |
Đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, được kế thừa các chế độ chính sách đang được hưởng như hưởng mức tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, được hưởng hỗ trợ, bồi dưỡng khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ... Với việc kiện toàn như vậy, Chính phủ đã có báo cáo đánh giá cụ thể chế độ, chính sách, kinh phí, nguồn nhân lực và đã khẳng định sẽ không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động, không làm tăng kinh phí so với hiện nay đang tổ chức, chi trả cho các lực lượng này. “Về thời điểm thông qua Luật, UBTVQH thấy rằng, đại đa số đại biểu Quốc hội đều cơ bản đồng thuận, nhất trí về sự cần thiết xây dựng, trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV để tạo cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện cho xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng này ở cơ sở, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình mới” – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết.