"CÔNG AN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG, ĐIỀU LỆNH; XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ"

Những điểm mới cơ bản của Luật Cư trú 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021

A
Cập nhật: 06/07/2021 08:00

Ngày 13/11/2020, tại kỳ hợp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Cư trú năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Đây là đạo luật rất quan trọng, bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân; tăng cường quản lý cư trú, quản lý dân cư, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tựtrong tình hình mới; giảm thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến đăng ký, quản lý cư trú và đổi mới phương thức quản lý cư trú từ thủ công bằng hồ sơ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin.Luật Cư trú năm 2020 gồm 07 chương,38 điều  với những điểm mới được bổ sung, sửa đổi so với Luật Cư trú năm 2006 như sau:

1. Bổ sung nội dung về giải thích từ ngữ

Luật Cư trú năm 2020 đã bổ sung quy định về giải thích từ ngữ để làm rõ một số thuật ngữ liên quan đến đăng ký, quản lý cư trú, bao gồm: chỗ ở hợp pháp; cư trú; Cơ sở dữ liệu về cư trú; cơ quan đăng ký cư trú; đăng ký cư trú; lưu trú; tạm vắng; nơi thường trú; nơi tạm trú; nơi ở hiện tại (Điều 2).

2. Bổ sung một số trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú

So với Luật Cư trú 2006, Luật đã bổ sung một số trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú đối với: (1) Người bị cách ly có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng; (2) Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ theo quy định của Luật này. Quy định này đảm bảo phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan như pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm…

3. Sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú

Luật Cư trú năm 2020 bỏ một số nội dung quy định hành vi bị nghiêm cấm liên quanđến Sổ hộ khẩu; đồng thời, bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới như truy cập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú... Theo đó, Điều 7 Luật Cư trú năm 2020 quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm về cư trú.

4. Quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú

Luật Cư trú năm 2020 quy định rõ quyền, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú. Theo đó, Điều 10 của Luật đã quy định những nội dung cơ bản về hộ gia đình, nguyên tắc xác định, quyền và trách nhiệm của chủ hộ và quyền, nghĩa vụ của thành viên hộ gia đình trong việc đề cử chủ hộ.

5. Sửa đổi, bổ sung về điều kiện đăng ký thường trú

Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 20); việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân; bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp.

Đồng thời, Luật cũng bổ sung quy định điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ. Cụ thể, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nếu bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2/sàn/người (điểm b khoản 3 Điều 20). Đồng thời, người này còn phải được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ. Theo đó, trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú.

6. Sửa đổi thẩm quyền đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương

Luật Cư trú năm 2006 quy định thẩm quyền giải quyết đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương là Công an quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên trước chủ trương Công an xã, phường, thị trấn (viết chung là Công an cấp xã) phải bám cơ sở của Bộ Công an; trong đó, quản lý cư trú là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước của lực lượng Công an nhân dân tại địa bàn cơ sở xã, phường, thị trấn. Đồng thời việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được Bộ Công an thực hiện cũng xác định lực lượng chủ chốt có trách nhiệm cập nhật, quản lý thông tin về cư trú của công dân là Công an cấp xã; do đó, Bộ Công an đã đề xuất điều chỉnh thẩm quyền thực hiện giải quyết đăng ký thường trú theo hướng quy định thống nhất trên mọi địa bàn đều là Công an cấp xã nơi công dân cư trú để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cư trú trong tình hình mới.

7. Thay thế việc đăng ký, quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức đăng ký, quản lý bằng công nghệ thông tin (chính thức bỏ Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú)

Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục cấp đổi Sổ hộ khẩu; cấp lại Sổ hộ khẩu; cấp Giấy chuyển hộ khẩu. Bên cạnh đó, do sử dụng phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin nên thời gian giải quyết đăng ký thường trú cho công dân cũng đơn giản, rút ngắn cả về thủ tục và thời gian. Theo quy định hiện hành, thời gian giải quyết đăng ký thường trú là 15 ngày, còn theo quy định Luật Cư trú năm 2020 tối đa là 07 ngày (khoản 3 Điều 22).

8. Sửa đổi, bổ sung các địa điểm không được đăng ký thường trú mới

Điều 23 Luật Cư trú năm 2020 quy định 5 nhóm địa điểm không được đăng ký thường trú mới để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với pháp luật chuyên ngành như hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính, thi hành án hình sự, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tình trạng khẩn cấp.

9. Sửa đổi, bổ sung các trường hợp xóa đăng ký thường trú

Ngoài các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú như hiện nay, xuất phát từ thực tiễn và để nâng cao hiệu quả quản lý về cư trú, nắm đúng thực tế số hộ, số người thường trú trên địa bàn, hạn chế tình trạng cư trú “ảo” (công dân đăng ký nơi thường trú nhưng thực tế không sinh sống tại đó và cũng không thông báo cho cơ quan quản lý cư trú), phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoạch định, thực hiện chính sách an ninh xã hội cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân, hộ gia đình trong đăng ký, quản lý cư trú và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người có liên quan.Do vậy, Luật Cư trú năm 2020 đã bổ sung một số trường hợp xóa đăng ký thường trú tại Điều 24 để ghi nhận chính xác tình trạng cư trú của người dân, bảo đảm thực hiện chặt chẽ công tác quản lý dân cư nói chung và quản lý về cư trú nói riêng; không làm ảnh hưởng đến các thông tin cá nhân, thông tin về hộ tịch khác của công dân.

10. Bổ sung quy định để quản lý đối với trường hợp công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú

Đây là quy định mới so với Luật Cư trú năm 2006. Thực tiễn có trường hợp công dân không có nơi thường trú, nơi tạm trú và cũng không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú (như người di cư, sống lang thang không có giấy tờ tùy thân, không có chỗ ở hợp pháp hoặc có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng không được chủ hộ đồng ý cho đăng ký thường trú, tạm trú…); do vậy, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ, cũng như quản lý dân cư được chặt chẽ hơn, Luật Cư trú năm 2020 bổ sung một điều quy định về nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú.

Việc bổ sung quy định này có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với dân cư cũng như bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân Việt Nam chưa có nơi thường trú, nơi tạm trú. Quy định này sẽ là cơ sở để các địa phương xây dựng và áp dụng các chính sách về kinh tế - xã hội phù hợp cho nhóm người này; bảo đảm tốt hơn nữa trong công tác quản lý dân cư, giữ gìn an ninh, trật tự; nhất là trong giai đoạn hiện nay khi đất nước ta áp dụng phương thức quản lý dân cư bằng Cơ sở dữ liệu điện tử thông qua mã số định danh cá nhân.

11. Bổ sung quy định về xóa đăng ký tạm trú

Luật Cư trú năm 2020 bổ sung 04 quy định về xóa đăng ký tạm trú để quản lý chặt chẽ tình hình biến động của dân cư sinh sống.

12. Bổ sung, quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú; trách nhiệm của cơ quan đăng ký cư trú

Luật Cư trú năm 2020 bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an trong việc tổ chức việc đăng ký, quản lý cư trú trên toàn quốc, cập nhật thông tin về cư trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC), Cơ sở dữ liệu về cư trú (điểm b khoản 1 Điều 32); xác nhận thông tin về cư trú, thông báo về kết quả thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú, tách hộ dưới hình thức văn bản, tin nhắn điện tử hoặc hình thức khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an (khoản 3 Điều 33).

13. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định của các luật có liên quan đến quản lý cư trú

Luật bổ sung quy định về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 của Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13 để bổ sung một số trường thông tin của công dân vào CSDLQG về DC phục vụ việc giải quyết các thủ tục hành chính và nhu cầu dân sự của công dân, gồm: nơi tạm trú; tình trạng khai báo tạm vắng; quan hệ với chủ hộ và họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của các thành viên hộ gia đình.

Luật cũng quy định bãi bỏ một số nội dung liên quan đến đăng ký, quản lý cư trú, sử dụng thông tin liên quan đến Sổ hộ khẩu trong giải quyết thủ tục hành chính của Luật Thủ đô, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Lý lịch tư pháp.

14. Về điều khoản thi hành

Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022. Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở sữ liệu về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Luật giao trách nhiệm cho Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.

Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội CATP Hải Phòng.

Gửi ý kiến:

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

TƯ CÁCH
NGƯỜI CÔNG AN CÁCH MỆNH LÀ:

Đối với tự mình, phải
CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH Đối với đồng sự, phải
THÂN ÁI GIÚP ĐỠ Đối với chính phủ, phải
TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH Đối với nhân dân, phải
KÍNH TRỌNG LỄ PHÉP Đối với công việc, phải
TẬN TỤY Đối với địch, phải
CƯƠNG QUYẾT, KHÔN KHÉO Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi Công an Khu XII,
ngày 11 tháng 3 năm 1948.
Lượt truy cập: 21313258
Trực tuyến: ...