"CÔNG AN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG, ĐIỀU LỆNH; XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ"

Quận Ngô Quyền: Tuyên truyền, phổ biến quy định về tái hòa nhập cộng đồng tới 6.550 lượt người

A
Cập nhật: 25/08/2021 07:29

Trong nhiều năm qua, thực hiện các văn bản chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương và thành phố Hải Phòng, UBND quận Ngô Quyền đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng, triển khai đến các phòng, đơn vị chức năng và UBND các phường để thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Lãnh đạo UBND quận Ngô Quyền tiếp Đoàn Thanh tra CATP về công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng

Hàng năm, Hội đồng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật quận đã ban hành chương trình hành động, chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Tư pháp và 12 phường thuộc quận tổ chức tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan dưới các hình thức: tổ chức hội nghị, phát bản tin trên hệ thống loa truyền thanh, truyền thông trên cổng thông tin điện tử, đến từng tổ dân phố và toàn thể nhân dân trên địa bàn, qua đó nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, xóa bỏ định kiến, kỳ thị và đề cao ý thức quan tâm giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Cụ thể, đã tổ chức 55 hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng cho 6.550 lượt người tham dự; biên soạn cấp phát trên 40.000 bộ tài liệu, phát nhiều bản tin tuyên truyền về lĩnh vực pháp luật này và những gương người hoàn lương tiến bộ tiêu biểu... UBND quận cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có chính sách phù hợp để khuyến khích các cơ sở tư nhân trên địa bàn tạo việc làm cho các trường hợp chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương, hỗ trợ 6 trường hợp vay 300 triệu đồng từ các nguồn quỹ tín dụng, chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, UBND các phường Đông Khê, Lê Lợi, Máy Chai đã thực hiện 43 buổi thông tin truyền thông giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng, phân công tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với cảnh sát khu vực chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù về địa phương, vận động nhân dân trong khu vực phối hợp chặt chẽ với gia đình quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ. UBND phường Lê Lợi đã vận động một cơ sở kinh doanh tư nhân tạo điều kiện giúp đỡ một trường hợp chấp hành xong hình phạt tù có việc làm ổn định; UBND phường Đông Khê đã chỉ đạo Hội phụ nữ phường tạo điều kiện cho 3 trường hợp chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương vay vốn với tổng số tiền 110 triệu đồng từ nguồn quỹ tín dụng để giúp ổn định cuộc sống.

UBND quận còn chỉ đạo Công an quận Ngô Quyền thực hiện các biện pháp quản lý, đổi mới phương pháp giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Đồng thời nhân rộng mô hình cá nhân tiêu biểu, tạo điều kiện giúp đỡ những người đã lầm lỡ ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng của một số địa phương, ban ngành, đoàn thể, quần chúng, gia đình có nơi, có lúc còn chưa đạt hiệu quả cao; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật còn chưa được đổi mới để phù hợp với tình hình...

Để thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới, UBND quận Ngô Quyền chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục pháp luật, huy động các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, cá nhân tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, xóa bỏ định kiến và phân biệt đối xử, tạo điều kiện để những người này ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng; Trao đổi kinh nghiệm xây dựng nhân rộng mô hình cá nhân điển hình, khen thưởng những tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc. Bên cạnh đó, cần bảo đảm kinh phí cho công tác này; liên hệ, đề nghị cấp trên mở các lớp bồi dưỡng cho các cán bộ trực tiếp làm công tác này ở địa phương, hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này tại địa phương.

Gửi ý kiến:

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

TƯ CÁCH
NGƯỜI CÔNG AN CÁCH MỆNH LÀ:

Đối với tự mình, phải
CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH Đối với đồng sự, phải
THÂN ÁI GIÚP ĐỠ Đối với chính phủ, phải
TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH Đối với nhân dân, phải
KÍNH TRỌNG LỄ PHÉP Đối với công việc, phải
TẬN TỤY Đối với địch, phải
CƯƠNG QUYẾT, KHÔN KHÉO Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi Công an Khu XII,
ngày 11 tháng 3 năm 1948.
Lượt truy cập: 21359899
Trực tuyến: ...