Luật Căn cước bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước. Thông tin tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Người dân có quyền đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước. Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Vậy phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật Căn cước năm 2023 có điểm gì khác so với Luật Căn cước công dân năm 2014? Luật Căn cước năm 2023 quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật Căn cước năm 2023 áp dụng đối với công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Như vậy, Luật Căn cước năm 2023 có bổ sung phạm vi điều chỉnh so với Luật Căn cước công dân năm 2014 về nội dung liên quan đến căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước. Về đối tượng áp dụng có bổ sung thêm đối tượng là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.
Đáng chú ý, Luật Căn cước đã đưa ra những quy định cụ thể về quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC), Cơ sở dữ liệu căn cước. Theo đó, công dân Việt Nam có quyền sau:
Được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước theo quy định của pháp luật; được yêu cầu cơ quan quản lý căn cước cập nhật, điều chỉnh thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử theo quy định của pháp luật về căn cước.
Đồng thời, được xác lập số định danh cá nhân của công dân Việt Nam; được cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo quy định của Luật này; được xác nhận thông tin về căn cước, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; được sử dụng thẻ căn cước, căn cước điện tử trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp; được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.
Đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có quyền sau:
Được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước theo quy định của pháp luật; được yêu cầu cơ quan quản lý căn cước cập nhật, điều chỉnh thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật về căn cước; được xác lập số định danh cá nhân của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; được cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước theo quy định của Luật này. Đồng thời, được sử dụng giấy chứng nhận căn cước trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp; khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.