Luật Cư trú năm 2020 đã quy định theo hướng tách riêng các điều quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký thường trú; quy định rõ từng loại hồ sơ tương ứng với từng điều kiện đăng ký thường trú cụ thể. Về cơ bản hồ sơ đăng ký thường trú đã được quy định đơn giản hơn so với quy định của Luật Cư trú năm 2006.
Cụ thể, tại Điều 21, Chương IV, Luật Cư trú năm 2020 quy định về hồ sơ đăng ký thường trú như sau:
1. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với người quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này bao gồm:
a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;
b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp.
2. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với người quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật này bao gồm:
a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;
c) Giấy tờ, tài liệu chứng minh các điều kiện khác quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 20 của Luật này.
3. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với người quy định tại khoản 3 Điều 20 của Luật này bao gồm:
a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
b) Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;
c) Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.
4. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với người quy định tại các điểm a, b và c khoản 4 Điều 20 của Luật này bao gồm:
a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người quy định tại điểm c khoản 4 Điều 20 của Luật này thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh là nhà tu hành, chức sắc, chức việc hoặc người khác hoạt động tôn giáo và được hoạt động tại cơ sở tôn giáo đó theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đối với người quy định tại điểm a khoản 4 Điều 20 của Luật này; giấy tờ, tài liệu chứng minh là người đại diện cơ sở tín ngưỡng đối với người quy định tại điểm b khoản 4 Điều 20 của Luật này;
c) Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở;
5. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với người quy định tại điểm d khoản 4 Điều 20 của Luật này bao gồm:
a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng hay người đứng đầu hoặc người đại diện cơ sở tôn giáo, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
b) Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc người đăng ký thường trú thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này và việc trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở.
6. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với người quy định tại khoản 5 Điều 20 của Luật này bao gồm:
a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người được cá nhân, hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp của cá nhân, hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
b) Văn bản đề nghị của người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội đối với người được cơ sở trợ giúp xã hội nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp;
c) Giấy tờ, tài liệu xác nhận về việc chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp.
7. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với người quy định tại khoản 6 Điều 20 của Luật này bao gồm:
a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký thường trú không phải là chủ phương tiện thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ phương tiện hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
b) Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện hoặc văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc sử dụng phương tiện đó vào mục đích để ở đối với phương tiện không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng kiểm;
c) Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về địa điểm phương tiện đăng ký đậu, đỗ thường xuyên trong trường hợp phương tiện không phải đăng ký hoặc nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ.
8. Trường hợp người đăng ký thường trú quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này là người chưa thành niên thì trong tờ khai thay đổi thông tin cư trú phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.
9. Trường hợp người đăng ký thường trú quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này là người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam thì trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng; trường hợp không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng thì phải có giấy tờ, tài liệu khác chứng minh có quốc tịch Việt Nam và văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh của Bộ Công an.
10. Chính phủ quy định chi tiết về các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp và giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân quy định tại Điều này”.
Như vậy, quy định chung về hồ sơ đăng ký thường trú đối với công dân chỉ cần khai “Tờ khai thay đổi thông tin cư trú” thay cho “Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu và bản khai nhân khẩu” theo quy định trước đây tại Luật Cư trú năm 2006. Đồng thời, không cần phải có “Giấy chuyển hộ khẩu”.
Đây là sự đổi mới đáng kể xuất phát từ thay đổi phương thức quản lý cư trú mới bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC). Trong CSDLQG về DC thì thông tin về nơi thường trú là một trường thông tin duy nhất. Do vậy, khi công dân đăng ký thường trú lần đầu hoặc thay đổi, đăng ký thường trú mới thì thông tin này cũng chỉ có một địa điểm duy nhất (không có tình trạng một công dân có 2 địa điểm được đăng ký thường trú).
Việc đăng ký thường trú mới cũng đồng nghĩa địa điểm đăng ký thường trú cũ (nếu có) trong CSDLQG về DC sẽ bị thay thế. Công dân không cần đề nghị cấp Giấy chuyển hộ khẩu để thực hiện việc đăng ký thường trú mới như quy định trước đây.
Đối với các trường hợp mới được bổ sung trong Luật Cư trú năm 2020 khi đăng ký thường trú như: đăng ký thường trú trong cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở trợ giúp xã hội thì phải có ý kiến đồng ý của người của người đại diện cơ sở tôn giáo, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, người đứng đầu hoặc người đại diện cơ sở trợ giúp xã hội là điều kiện bắt buộc.
Quy định này nhằm tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị tiếp nhận, cho phép người khác sinh sống tại nơi mình quản lý.
Đối với giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, mối quan hệ nhân thân, Luật Cư trú năm 2020 giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm phù hợp với thực tiễn công tác quản lý nhà nước theo từng thời kỳ và quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.