"CÔNG AN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG, ĐIỀU LỆNH; XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ"

Bộ Công an quán triệt Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

A
Cập nhật: 03/04/2024 06:57

Chiều 02/4/2024, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở và các nhiệm vụ công tác trọng tâm để triển khai thi hành. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị. Hội nghị được truyền trực tuyến từ điểm cầu Hội trường Bộ Công an tới điểm cầu Hội trường Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Bộ Công an, có Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Lê Văn Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương,Thứ trưởng Bộ Công an cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ…

Tại điểm cầu Hội trường Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan; Ban Giám đốc, lãnh đạo các phòng, Công an quận, huyện, thị xã, thành phố...

Tham dự hội nghị tại điểm cầu CATP Hải Phòng có các đồng chí: Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố; Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố; Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc CATP. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố, Sở Nội vụ, Sở Thông tin&truyền thông; lãnh đạo các Phòng, Ban nghiệp vụ CATP. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Luật được ban hành đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong việc bảo đảm ANTT ở cơ sở đã được xác định trong các văn bản của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đồng thời kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện, xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Trong điều kiện hiện nay, việc bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ mang lại những tác động tích cực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về ANTT. Mặt khác, do địa bàn cấp xã nhiều nơi có diện tích rộng, số lượng dân cư lớn nên cần thiết sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT. Qua đó mới có thể bao quát và bám sát hết địa bàn cơ sở, chủ động, kịp thời giải quyết ngay tại chỗ, ngay từ cơ sở các vụ, việc liên quan đến ANTT. 

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tại Hội nghị, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã trình bày tóm tắt nội dung cơ bản của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; tiến độ, kết quả xây dựng dự thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. 

Theo đó, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm 5 chương, 33 điều; quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Luật cũng quy định tiêu chuẩn về lý lịch, trình độ văn hóa, sức khỏe của người được tuyển chọn tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, yêu cầu bảo đảm ANTT của từng vùng miền; quy định quan hệ công tác với Hội đồng nhân dân, UBND, Công an cấp xã và quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã.

Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Luật đã điều chỉnh quy định về nhiệm vụ của các lực lượng này sau khi được kiện toàn bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là tham gia hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở, không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và chính quyền cơ sở với 6 nhóm nhiệm vụ được giao, bao gồm: Hỗ trợ nắm tình hình về ANTT; hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; hỗ trợ tuần tra bảo đảm ANTT, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động. 

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp trình bày tóm tắt nội dung cơ bản của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Về sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng, Luật quy định kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và được bố trí theo mô hình Tổ bảo vệ ANTT ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là bảo đảm cân đối trong tổng mức chi thực tế hiện nay của các địa phương đang thực hiện và bảo đảm khả thi khi Luật này được ban hành… 

Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đã trình bày tiến độ, kết quả xây dựng chương trình, tài liệu huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ đối với Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; dự kiến nội dung hướng dẫn xây dựng, tổ chức thực hiện phương án kiện toàn thống nhất Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tại các địa phương. Tiếp đó, Hội nghị cũng được nghe đại diện lãnh đạo Cục Trang bị và kho vận phổ biến danh mục, kiểu dáng, màu sắc, tiêu chuẩn, niên hạn sử dụng trang phục; danh mục, tiêu chuẩn định mức trang bị công cụ hỗ trợ cho Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. 

 

Dưới sự điều hành của Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ, tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ nhiệm vụ và vai trò quan trọng của Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở với các nội dung như: Thực trạng và một số nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn Hà Nội; Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở giữ vai trò quan trọng trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở góp phần quan trọng trong giải quyết tốt những vấn đề nổi lên về ANTT tại cơ sở... 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả tích cực trong công tác chuẩn bị của Công an các đơn vị, địa phương đối với việc triển khai thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong thời gian qua. 

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Công an các đơn vị, địa phương phải thống nhất nhận thức, xác định vị trí, tầm quan trọng của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng trong hoạt động, quản lý, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện các nhiệm vụ; chủ động, kịp thời giải quyết ngay tại chỗ, ngay từ cơ sở các vụ việc liên quan đến ANTT ở sở; Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong chỉ đạo để đảm bảo chuẩn bị tốt các điều kiện, hoàn thành các nhiệm vụ triển khai Luật theo đúng tiến độ đề ra.

Đồng thời, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng của Văn phòng Chính phủ và các đơn vị có liên quan khẩn trương tham mưu ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; chủ động xây dựng Thông tư của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật để Công an các địa phương làm căn cứ tham mưu ban hành Nghị quyết của HĐND và Quyết định của UBND tỉnh, thành phố về tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ ANTT, cơ cấu tổ chức, chế độ chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Cục Trang bị và kho vận chủ trì xây dựng hướng dẫn về tiêu chuẩn định mức về phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ và quy định về quản lý, sử dụng tài sản công cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Phối hợp với Cục Kế hoạch và tài chính dự toán, tổng hợp kinh phí và đảm bảo trang bị theo nhiệm vụ chi của Bộ Công an cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Trước mắt, cần khẩn trương tham mưu, đề xuất phương án sản xuất phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng này ngay khi Luật có hiệu lực; phối hợp với địa phương chuẩn bị trang phục tại Lễ ra mắt Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở vào ngày 01/7/2024. 

Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thi hành Luật; sớm ban hành Nghị quyết của HĐND về tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ ANTT; chế độ chính sách và mức hỗ trợ thường xuyên cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT nhằm đáp ứng yêu cầu công tác của lực lượng này trong thời gian tới...

Gửi ý kiến:

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

TƯ CÁCH
NGƯỜI CÔNG AN CÁCH MỆNH LÀ:

Đối với tự mình, phải
CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH Đối với đồng sự, phải
THÂN ÁI GIÚP ĐỠ Đối với chính phủ, phải
TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH Đối với nhân dân, phải
KÍNH TRỌNG LỄ PHÉP Đối với công việc, phải
TẬN TỤY Đối với địch, phải
CƯƠNG QUYẾT, KHÔN KHÉO Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi Công an Khu XII,
ngày 11 tháng 3 năm 1948.
Lượt truy cập: 21269752
Trực tuyến: ...