"CÔNG AN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG, ĐIỀU LỆNH; XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ"

Công an thành phố xây dựng thành phố Hải Phòng trong 65 năm qua

A
Cập nhật: 12/05/2020 22:00

Từ cửa ngõ của khu vực phía Bắc, ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19-8-1945), lực lượng Công an Hải Phòng (CATP) đã được thành lập. Trải qua chặng đường vinh quang của dân tộc, đặc biệt trong 65 năm xây dựng và phát triển thành phố, kể từ ngày Hải Phòng giải phóng, lịch sử đã ghi nhận những đóng góp vô cùng to lớn của lực lượng CATP. Sau thời khắc lịch sử khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2-9-1945, Hải Phòng là địa phương đầu tiên của miền Bắc nổ súng chống lại cuộc tái chiếm của thực dân Pháp. Đó thực sự là những ngày oanh liệt, đầy niềm tự hào của lực lượng Công an cách mạng, quyết đứng lên quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Lực lượng CATP Hải Phòng ra quân bảo vệ ANTT

Ngày 20-11-1946, tiếng súng kháng chiến đã nổ ở Hải Phòng, cuộc chiến không cân sức giữa một bên là lực lượng Công an xung phong, Tự vệ của chính quyền non trẻ, với một bên là lực lượng viễn chinh sừng sỏ của quân đội Pháp. Đây là tiền đề dẫn đến ngày “Toàn quốc kháng chiến”, cả nước vùng lên thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”.

Lịch sử mãi ghi công sự hy sinh quả cảm của Anh hùng liệt sỹ CAND Trần Thành Ngọ - người Cảnh sát trưởng đầu tiên của Hải Phòng, đã cùng đồng đội giữ vững trận tuyến, đương đầu với kẻ thù gần nửa năm trên mặt trận Hải Phòng, Kiến An. Cho đến khi bị bao vây tấn công đến hết đạn, hết lương thực, kiệt sức trên núi Cột Cờ, Chỉ huy Trần Thành Ngọ và chiến sỹ của mình quyết hy sinh chứ không để rơi vào tay giặc. Những hình ảnh oanh liệt ấy đã viết lên những chữ vàng đầu tiên, trên trang sử vàng đầu tiên của lịch sử nước Việt Nam mới của thời đại Hồ Chí Minh. Đại tá Hoàng Xuân Lâm – nguyên Giám đốc CATP kể lại: “Đó là những tháng ngày gian khổ nhưng vô cùng hào hùng, lớp lớp thanh niên chúng tôi nhất tề đứng dậy, sẵn sàng hy sinh không toan tính, tất cả vì nền độc lập tự do của Tổ quốc…”.

Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ, thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng CATP đã góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động hoàn cầu. Hiệp định Geneve được ký kết, Hải Phòng trở thành điểm tập kết 300 ngày đêm của quân đội Pháp và tay sai, trở thành một địa bàn trọng điểm, phức tạp về tình hình ANTT. Cùng với việc triển khai đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lực lượng CATP đã mở đợt sinh hoạt chính trị lớn, tạo khí thế mới quyết tâm đánh bại mọi âm mưu hoạt động của bọn phản động và các đối tượng tội phạm, giữ vững ổn định ANTT trên địa bàn. Đồng thời thông qua đợt sinh hoạt lớn này, Đảng ủy và lãnh đạo CATP đã tiến hành củng cố về tổ chức và cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Lực lượng CATP ra quân trấn áp tội phạm

Hải Phòng được giải phóng ngày 13-5-1955, với tinh thần trách nhiệm cao, lực lượng CATP đã đấu tranh, bảo vệ ANTT, gây dựng và củng cố niềm tin với nhân dân, phục vụ đắc lực công cuộc khôi phục phát triển kinh tế, cải tạo xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Sau “sự kiện vịnh Bắc Bộ” tháng 8-1964, Hải Phòng trở thành “tọa độ lửa” của địch. Mỹ mở rộng chiến tranh, một mặt phong tỏa, bắn phá, một mặt tung gián điệp, biệt kích nhằm phá hoại Hải Phòng và miền Bắc. Nhiệm vụ quan trọng của lực lượng CATP lúc này là tăng cường triển khai các biện pháp bảo vệ hiệu quả cơ sở vật chất của thành phố, tính mạng và tài sản nhân dân, giữ vững ANTT để quân và dân thành phố kiên cường đánh trả các cuộc tấn công của địch.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn khốc liệt, nhiều cán bộ, chiến sỹ CATP đã nô nức viết đơn tình nguyện chi viện cho chiến trường miền Nam. Được tôi luyện trong “tọa độ lửa” và thử thách trong muôn vàn gian khổ, khó khăn, cán bộ, chiến sỹ CATP tăng cường, đã cùng quân và dân miền Nam vừa chiến đấu, truy quét tàn quân địch, vừa trấn áp tội phạm, ổn định trị an vùng mới giải phóng, cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất mùa xuân năm 1975. Nhiều tấm gương tiêu biểu đã dũng cảm hy sinh như Anh hùng liệt sỹ Đỗ Hồng Quân, các liệt sỹ Nguyễn Đình Thành, Đỗ Duyên Thịnh, Nguyễn Thị Du… mãi mãi rực sáng trên bảng vàng truyền thống của Công an thành phố Cảng.

Hải Phòng cùng cả nước bước sang giai đoạn cách mạng mới với muôn vàn khó khăn, đặc biệt là khắc phục hậu quả chiến tranh để lại, giữa lúc các thế lực thù địch vẫn tiến hành chống phá với thủ đoạn và âm mưu xảo quyệt, đồng thời các đối tượng phạm pháp hình sự cũng tìm mọi cách để hoạt động. Là lực lượng vũ trang cách mạng từ nhân dân mà ra, CATP Hải Phòng luôn xác định rõ vị trí, trách nhiệm, dựa vào nhân dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng Công an luôn gắn liền với công cuộc phát triển của thành phố Hải Phòng.

Lịch sử đã ghi nhận, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lực lượng CATP đều thể hiện rõ lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, nêu cao ngọn cờ tiên phong trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững ANTT. Trong giai đoạn mới của cách mạng, nổi lên những tấm gương tiêu biểu như các Anh hùng LLVT Lê Viết Đông, Vũ Mạnh Dũng, Lê Thanh Á, Lê Hồng Thắng… đã tô thắm trang sử hào hùng của lực lượng CATP Hải Phòng, vì công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và tiến lên công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Trải qua suốt chiều dài lịch sử cách mạng, lực lượng CATP Hải Phòng đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ. Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, cơ chế thị trường với những thách thức lớn càng trở thành môi trường rèn luyện để mỗi cán bộ, chiến sỹ hoàn thiện mình, cống hiến hết lòng hết sức, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, như lời dạy của Hồ Chủ Tịch.

Theo báo An ninh Hải Phòng

Gửi ý kiến:

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

TƯ CÁCH
NGƯỜI CÔNG AN CÁCH MỆNH LÀ:

Đối với tự mình, phải
CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH Đối với đồng sự, phải
THÂN ÁI GIÚP ĐỠ Đối với chính phủ, phải
TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH Đối với nhân dân, phải
KÍNH TRỌNG LỄ PHÉP Đối với công việc, phải
TẬN TỤY Đối với địch, phải
CƯƠNG QUYẾT, KHÔN KHÉO Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi Công an Khu XII,
ngày 11 tháng 3 năm 1948.
Lượt truy cập: 21273847
Trực tuyến: ...