Ngày 29/6/2021, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Cư trú năm 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành bằng hình thức trực tuyến tới Công an các địa phương. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị
Ngày 13/11/2020, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Cư trú năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021, gồm 07 chương, 38 điều. Đây là đạo luật rất quan trọng, có tính đổi mới trong công tác quản lý cư trú nói riêng và quản lý dân cư nói chung; thể hiện được định hướng rõ rệt trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội. Khi thực hiện quản lý cư trú bằng phương thức mới hiện đại hơn sẽ góp phần giảm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký cư trú và giấy tờ của công dân… Đồng thời Luật cũng góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cư trú.
Tại điểm cầu Hải Phòng, các đồng chí: Đại tá Bùi Trung Thành – Phó Giám đốc CATP; Trưởng, Phó Phòng, tập thể chỉ huy Đội 2, Đội 4 và CBCS của Đội 2, Đội 4, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH; lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương phụ trách công tác QLHC về TTXH, đại diện chỉ huy, CBCS Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, cán bộ cơ yếu Công an các quận/huyện tham dự hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Cư trú năm 2020. So với quy định của Luật cư trú năm 2006 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013 (Luật Cư trú năm 2006), Luật Cư trú năm 2020 đã quy định rõ hơn việc xác định nơi cư trú của công dân chính là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Quy định này đã giải quyết được vướng mắc của Luật Cư trú năm 2006 khi xác định nơi thường xuyên sinh sống của công dân. Với quy định này thì trong trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú là nơi ở hiện tại của công dân. Ngoài ra, Luật Cư trú năm 2020 đã bổ sung quy định trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi do cha, mẹ thỏa thuận; trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được thì do Tòa án quyết định.
Bên cạnh đó, tại Điều 15 Luật Cư trú năm 2020 đã chỉnh lý tên gọi từ “nơi cư trú của cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân” thành “nơi cư trú của người học tập, công tác, làm việc trong lực lượng vũ trang”. Đồng thời chỉnh lý, quy định rõ đối tượng thuộc lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân theo quy định của Luật Công an nhân dân, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự; các trường hợp phải cư trú tại doanh trại, các trường hợp có thể có nơi cư trú khác ngoài doanh trại.
Một điểm mới khác là, Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, theo đó, việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc…
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe phổ biến về các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, biện pháp thi hành Luật Cư trú; giới thiệu khái quát việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị, ngay sau Hội nghị này, các đại biểu có trách nhiệm báo cáo, tham mưu với cấp ủy Đảng, Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt tới cán bộ, chiến sỹ, nhất là những người trực tiếp làm công tác đăng ký, quản lý cư trú nắm vững các quy định mới của Luật Cư trú, của các văn bản quy định chi tiết thi hành và triển khai thi hành kịp thời, nghiêm túc, thống nhất, có hiệu quả quy định của Luật và các văn bản liên quan nhằm rút gọn thủ tục hành chính và đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của nhân dân.