Xuất thân từ gia đình có truyền thống yêu nước, ông nội là Trần Thành Lộc (Tổng Học) thủ lĩnh nghĩa quân trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược (năm 1885). Đồng chí Trần Thành Ngọ - sinh năm 1917, tại Văn Đẩu, Kiến An, Hải Phòng, từ bé đã chịu khó học tập, rèn luyện, là người giỏi võ, thông minh có đầu óc tổ chức, tính tình cương trực, mạnh mẽ. Những năm học tại trường Bách nghệ Hải Phòng và làm việc tại mỏ than Uông Bí, nơi có truyền thống đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đã tôi rèn thêm tinh thần yêu nước cho Trần Thành Ngọ. Bị đuổi việc do phản đối chủ đánh thợ mỏ, ông cùng nhiều thanh niên trang lứa bị thực dân Pháp bắt đi làm lính khố đỏ canh gác sân bay Xuân Mai – Hà Nội với biệt danh là “Đội Ngọ”. Với tình yêu quê hương, đất nước, ý chí căm thù quân xâm lược, ông đã bí mật cảm hóa một số anh em đi lính từ bỏ hàng ngũ chống lại quân Pháp. Năm 1944, khi Mặt trận Việt Minh được thành lập, được Nguyễn Phương Thảo (tức Trung tướng Nguyễn Bình - Tư lệnh Chiến khu Đông Triều) giác ngộ cách mạng, Trần Thành Ngọ đã trở thành một người Đảng viên kiên trung, người chiến sĩ Công an cách mạng quả cảm, những cống hiến, đóng góp của Anh hùng liệt sỹ Công an nhân dân Trần Thành Ngọ trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự thành phố là cơ sở vững chắc cho bước phát triển mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Hải Phòng.
Tọa đàm “Thân thế, sự nghiệp, những cống hiến của Anh hùng Liệt sỹ CAND Trần Thành Ngọ và Đoàn Công an xung phong đối với sự nghiệp bảo vệ ANTT thành phố”
Hòa chung khí thế cách mạng, ngay trong ngày Hải Phòng khởi nghĩa thắng lợi, giành lại chính quyền (23/8/1945), chính quyền non trẻ đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, phải đương đầu với những khó khăn về kinh tế - xã hội, nhất là chống “Thù trong, giặc ngoài”. Hải Phòng, cửa khẩu giao thương quốc tế lớn, duy nhất ở miền Bắc, là nơi tập trung của các thế lực phản động trong nước và nước ngoài. Gián điệp, tình báo của Mỹ, Nhật, Pháp, Tưởng hoạt động “nhộn nhịp”. Đồng chí Trần Thành Ngọ là cán bộ Việt Minh đầu tiên được giao đến sở Cảnh binh thu nhận cơ quan và thực thi nhiệm vụ, được Ủy ban Cách mạng lâm thời Hải Phòng phân công giữ chức Chỉ huy trưởng Công an và Cảnh vệ thành phố, đồng chí Lê Quốc Thân làm ủy viên chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Mộc làm ủy viên quân sự. Việc phân công Trần Thành Ngọ vào vị trí quan trọng là sự tín nhiệm lớn của Ban Cán sự Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng. Với cương vị của mình, đồng chí đã góp phần nhanh chóng ổn định nội bộ, tổ chức, tình hình trật tự, trị an, phát hiện và trừng trị kịp thời những âm mưu và hành động phá hoại của các nhóm phản động, của quân Tưởng và Pháp, bảo vệ các cuộc bầu cử, bảo vệ Đảng, chính quyền…
Căn cứ Nghị định ngày 24/9/1945 của Bộ Nội vụ, Sở Cảnh sát Hải Phòng đã đề xuất và được đồng ý cho thành lập Đoàn Cảnh sát xung phong được trang bị đồng phục, làm nòng cốt, công khai bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, tuần tra canh gác bảo vệ an ninh trật tự thành phố do đồng chí Trần Thành Ngọ - Cảnh sát trưởng phụ trách. Đoàn cảnh sát xung phong là đơn vị vũ trang đầu tiên của lực lượng Công an Hải Phòng. Để có vũ khí trang bị cho chiến sĩ, đồng chí Trần Thành Ngọ chỉ huy các nhóm Cảnh sát xung phong chui từ cống ngầm trong thành phố vào lấy súng của quân Tưởng tước của quân Nhật để trong kho Cảng. Đồng chí thường trực tiếp thử các loại vũ khí trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt tại cơ sở sửa chữa vũ khí thô sơ, chế tạo mìn, lựu đạn cần cho những cuộc chiến đấu chặn đánh xe tăng và đánh giáp lá cà của Đoàn ở Đôn Niệm, có lần bị thương mất 3 ngón tay phải, đồng chí đã phải tập viết và tập bắn bằng tay trái để làm tốt nhiệm vụ chỉ huy chỉ đạo. Để đảm bảo lương thực nuôi quân, có lúc đồng chí đã phân công anh em vào các gia đình giàu có, các nhà tư sản dân tộc quyên góp tiền của để mua lương thực, thực phẩm cho đơn vị.
Trên cương vị là Cảnh sát trưởng, Ủy viên Ủy ban bảo vệ thành phố, đồng chí Trần Thành Ngọ đã vạch kế hoạch điều hành lực lượng Công an xung phong và Cảnh sát chiến đấu, bảo vệ từng khu vực ở nội thành Hải Phòng. Thời gian này đồng chí Trần Thành Ngọ đã tổ chức tuyển chọn và thành lập Đội “Cửu Long” gồm những thanh niên yêu nước, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, cảm hóa, giáo dục, phục vụ tốt cho các kế hoạch đánh địch của ta. Dưới sự chỉ huy, huấn luyện trực tiếp của đồng chí Trần Thành Ngọ, đội “Cửu Long” đã lập nhiều chiến công như: tìm cách lọt vào các tổ chức phản động "Việt Quốc", "Việt Cách" để nắm tình hình, có những hành động táo bạo làm thất bại kế hoạch phá rối an ninh trật tự của địch; phối hợp với Liêm Phóng chính trị điều tra theo đuổi hoạt động của bọn "Lam Y-Xã" do tên Vương Chí Ngũ, sư trưởng Sư 130 tổ chức và cầm đầu. Điển hình là trận đánh tiêu diệt nhóm phản động Bảo Hương ở Kiến An, ngày 20/11/1945. Thông qua nguồn tin cơ sở đánh vào "Hội cựu chiến binh cứu quốc" nắm được âm mưu cướp chính quyền thị xã Kiến An của bọn phản động Bảo Hương và “Phán Quý”, lực lượng Liêm phóng Kiến An phối hợp với một đại đội Vệ quốc đoàn và tự vệ thị xã dưới sự chỉ huy thống nhất của đồng chí Hoàng Thiết Tâm đã bao vây, tấn công sào huyệt phản động, chúng chống trả quyết liệt làm đồng chí Tâm bị trúng đạn hy sinh, cuộc chiến đấu ở thế giằng co. Một Trung đội Cảnh sát xung phong Hải Phòng được điều sang chi viện, sau khi quan sát, nắm địa hình và tình hình, đúng 5h sáng ngày 21/11/1945 ta mở đợt tấn công đánh tập hậu, bí mật đột nhập từ phía sau tiêu diệt hỏa lực chính, làm chúng mất sức đề kháng, một số tên chết tại chỗ, còn lại hạ súng đầu hàng. Toàn bộ bọn phản động Bảo Hương (bao gồm nhà Phán Quý và Bảo Hương) bị tiêu diệt, ta bắt sống 43 tên, thu 12 súng trường, tại nhà mẹ Phán Quý ta thu thêm 12 súng các loại. Sau đó ta truy bắt toàn bộ bọn cầm đầu Việt Quốc ở thị xã Kiến An, tiếp tục truy bắt thêm đồng bọn của chúng ở Đại Trà, Lạng Côn huyện Kiến Thụy...
Ngày 06/1/1946, cuộc bầu cử Quốc Hội đầu tiên đã được tiến hành trong tình thế quân đội Tưởng đẩy mạng các hoạt động chống phá. Ở Hải Phòng, kế hoạch bảo vệ bầu cử được giao cho lực lượng vũ trang. Lợi dụng sự kiện “tại điểm bỏ phiếu, lính Tưởng khiêu khích, cướp hòm phiếu đem đi thì bị tự vệ của ta nổ súng giết chết”, quân đội Tưởng kéo đến hòm phiếu ở Nhà hát lớn thành phố tước súng và bắt một tiểu đội Cảnh sát xung phong đang làm nhiệm vụ. Do có sự lãnh đạo khéo léo ở ngay trong số người bị chúng bắt giữ nên anh chị em vẫn giữ vững tinh thần quả cảm mặc dù sau đó chúng tra tấn đánh đập dã man. Trong khi đó ở bên ngoài, ta tham mưu cho Thành ủy và chính quyền cách mạng tổ chức vận động quần chúng đấu tranh, kiến nghị đòi chúng phải thả những người bị bắt, đồng thời tiến hành thương lượng bồi thường, cuối cùng chúng phải nhượng bộ thả hết 40 người của ta; âm mưu phá hoại cuộc bầu cử của quân Tưởng bị thất bại. Hơn 95% đồng bào đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc Hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Khi quân Pháp nổ súng đánh chiếm thành phố Hải Phòng, ngày 26/11/1946, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy và Bộ Chỉ huy Chiến khu 3, đồng chí Trần Thành Ngọ - Trưởng ban Công an trật tự trực tiếp tham gia xây dựng kế hoạch tác chiến bảo vệ thành phố. Thực hiện phương châm đánh lâu dài, sau bảy ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành phố lực lượng công an và tự vệ đã phá hủy 6 xe bọc thép, bắt 5 lính Pháp, cùng lực lượng vệ quốc đoàn chiến đấu anh dũng bảo vệ Nhà hát thành phố, sau đó toàn bộ lực lượng vũ trang, cơ quan chính quyền, mặt trận của ta được lệnh rút ra khỏi thành phố. Ra lời kêu gọi nhân dân Hải Phòng - Kiến An đoàn kết kháng chiến, dựa vào nông thôn xây dựng lực lượng, phát triển dân quân du kích, thực hiện vườn không nhà trống, phá hoại giao thông, bao vây địch trong thành phố. Lúc này Ty Công an Hải Phòng hợp nhất với Ty Công an Kiến An thành Ty Công an Hải - Kiến; Đoàn Cảnh sát xung phong được đổi tên thành Đoàn Công an xung phong, lực lượng được phát triển hơn 100 người - là lực lượng nòng cốt trực tiếp đương đầu với Pháp trong mọi tình huống.
Sau khi lực lượng Công an xung phong rút căn cứ sang Kiến An, đồng chí Trần Thành Ngọ đã tổ chức lực lượng nhỏ đột kích vào thành phố để diệt địch, chặn đánh, ám sát hoặc ném lựu đạn gây cho thực dân Pháp nhiều thiệt hại, thu nhiều vũ khí. Trước sự tấn công của ta, quân Pháp trong nội thành đứng, ngồi không yên và liên tiếp mở nhiều cuộc tiến công ồ ạt lấn chiếm ra các vùng ngoại thành Hải Phòng, trong đó Kiến An là mục tiêu chính. Ngày 25/4/1947, quân Pháp với một lực lượng đông đảo được sự yếm trợ của pháo binh đã tấn công vào thị xã Kiến An từ nhiều phía. Trước tình thế đó, đồng chí Trần Thành Ngọ đã nhận nhiệm vụ chỉ huy mặt trận bảo vệ Kiến An. Trước khi nhận nhiệm vụ đồng chí đã tuyên thệ “Nếu Trần Thành Ngọ còn thì Kiến An còn, nếu Kiến An mất thì Trần Thành Ngọ sẽ mất theo”. Trong trận chiến đấu quyết tử bảo vệ thị xã Kiến An, bảo vệ các cơ quan đầu não của liên tỉnh Hải - Kiến, đồng chí Trần Thành Ngọ với cương vị là chỉ huy trưởng mặt trận đã trực tiếp chiến đấu rất quyết liệt. Trong tình thế chỉ huy Sở ở núi Cột Cờ bị địch bao vây. Mặc dù bị thương nặng nhưng đồng chí vẫn bình tĩnh ra lệnh cho anh em rút lui để bảo toàn lực lượng, còn một mình đồng chí ở lại chiến đấu chặn địch. Khi địch tới gần, đồng chí đã dùng răng mở chốt lựu đạn để giết giặc và trong giây phút nguy hiểm đó đồng chí đã anh dũng hy sinh dưới chân núi Cột Cờ. Sự hy sinh oanh liệt của đồng chí Trần Thành Ngọ là tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vì nước quên thân của Công an Hải Phòng - Kiến An trong những ngày mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược.
Nhiều đơn vị, địa phương đã phát động phong trào học tập tấm gương hy sinh của đồng chí. Trong đó, Huyện ủy Kiến Thụy đã chia huyện thành các khu để chỉ đạo kháng chiến cho phù hợp với từng địa bàn. Mỗi khu gồm nhiều xã, có tổ chức Đảng, chính quyền, dân quân du kích, đoàn thể... trong đó, có khu mang tên Trần Thành Ngọ (trong văn bản vẫn gọi tắt là khu Ngọ). Cán bộ, đảng viên và quân dân khu Ngọ đã kiên cường kháng chiến, phá tề trừ gian, chiến đấu tiêu diệt nhiều sinh lực địch, góp phần giải phóng quê hương.
Với đồng đội và nhân dân, đồng chí là người chỉ huy nhân ái, dũng cảm, xuất sắc, không quản ngại khó khăn, luôn luôn sẵn sàng xả thân vì nước vì dân. Đồng chí đã cùng cán bộ, chiến sĩ tổ chức sinh hoạt biểu diễn văn nghệ để động viên anh em, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia hoạt động ủng hộ cách mạng và quyên góp tiền mua sắm vũ khí, hoặc ủng hộ quỹ bình dân học vụ nên được nhân dân yêu mến. Với gia đình, đồng chí là người hết mực chăm lo cho gia đình, con cái. Căn nhà của gia đình ông chính là nơi chôn giấu vũ khí, đạn dược phục vụ cách mạng, đây cũng là nơi hội họp và luyện tập võ nghệ của anh em Đội cảm tử hằng đêm để tránh sự chú ý của quân địch. Trong trận đánh cuối cùng ông đã hy sinh anh dũng, lúc này vợ ông đang mang thai người con thứ 2 (là Bà Trần Thị Kim Trang). Sau khi ông hy sinh, vợ ông sinh con và phải gửi nhờ họ hàng nuôi giúp để tránh sự truy sát của địch, nhằm bảo toàn tính mạng cho các con của mình.
Nhận xét về Trần Thành Ngọ, đồng chí Vũ Quốc Uy một lãnh đạo thành phố lúc đó viết: "Anh thực sự là trụ cột của cuộc chiến đấu bảo vệ thành phố và thị xã Kiến An... công lao của anh không phải là do công sức riêng mà vì anh biết tin và sử dụng sức mạnh của tập thể, với anh em anh sống rất chan hòa, tối tối không nằm trên giường lò xo của viên Chánh Cẩm cũ mà chịu vào ngủ với cả nửa tiểu đội trong một chiếc màn gian của lính Nhật, anh biết nuôi quân không phải bằng đồng lương ít ỏi của Chính phủ cấp cho mà bằng cả sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân”.
Năm 1995, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân, Liệt sĩ Trần Thành Ngọ đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Hiện nay, thành phố Hải Phòng có nhiều tuyến đường, trường học được mang tên của đồng chí Trần Thành Ngọ (Phường Trần Thành Ngọ, Trường Tiểu học Trần Thành Ngọ, đường Trần Thành Ngọ...).
Nhân kỷ niệm 70 năm trận chiến đấu bảo vệ thị xã Kiến An, Công an thành phố Hải Phòng đã phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Kiến An tổ chức Tọa đàm khoa học “Thân thế, sự nghiệp và những đóng góp, cống hiến của Anh hùng liệt sỹ CAND Trần Thành Ngọ và Đoàn Công an xung phong đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự thành phố Hải Phòng” nhằm khẳng định những công lao to lớn, những đóng góp của đồng chí Trần Thành Ngọ - người Cảnh sát trưởng đầu tiên của Công an Hải Phòng - một huyền thoại không bao giờ quên của thành phố Cảng.