Công an thành phố Hải Phòng nhận được thư cảm ơn của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng cảm ơn vì sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao trong hỗ trợ người dân có hoàn cảnh đặc biệt, nội dung như sau:
Kính gửi: Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng
Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) là một đơn vị khoa học công nghệ, phi lợi nhuận, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, tập trung vào hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhằm nâng cao chất lượng sống và khả năng hòa nhập xã hội của họ. Trong các đối tượng hỗ trợ của SCDI có những người sử dụng ma túy, người có HIV, người nghèo, người lang thang.
Tôi viết thư này thay SCDI xin bày tỏ lòng cám ơn đến Lãnh đạo Công an thành phố Hải Phòng, Công an quận Lê Chân và Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính của Công an quận Lê Chân vì sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao trong hỗ trợ người dân có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trường hợp cụ thể dưới đây.
Trong quá trình giúp đỡ người sử dụng ma túy có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đã gặp em Trần Văn Lỳ, sinh ngày 25/5/1995 tại Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Em Lỳ không có bố. Sau khi em ra đời, mẹ em là Trần Thị Quý bị bắt đi tù. Khi đó em còn chưa được khai sinh. Lỳ được đưa vào Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) nuôi dưỡng. Năm 2001, ông Cao Xuân Thọ là cán bộ Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật tỉnh Hà Tây đã đến ƯBND xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây làm giấy khai sinh cho em với tên là Trần Văn Lỳ, sinh ngày 25/5/1995, mẹ là Trần Thị Quý, sinh năm 1958 - không có bố (Giấy khai sinh số 75(Quyển số 1-2001), do UBND xã Ngọc Sơn cấp ngày 20/7/2001).
Năm 2009, Lỳ đủ 14 tuổi nên được chuyển đến Trung tâm bảo trợ xã hội 4 Hà Nội có trụ sở tại thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Đến năm 2010, Lỳ theo bạn bè rủ rê, bỏ trốn khỏi trung tâm và về sinh sống tại Hải Phòng. Từ khi sinh ra đến thời điểm chúng tôi tiếp cận, Lỳ chưa làm thủ tục đăng ký thường trú tại bất kỳ địa chỉ nào.
Lỳ mắc bệnh hiểm nghèo đã nhiều năm, cần được điều trị ngay và liên tục. Lỳ được gia đình anh Phạm Đức Dũng, sinh năm 1980 và chị Nhâm Thị Tuyết Thanh, sinh năm 1980 trú tại 18A/633 Thiên Lôi, Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng đưa về nuôi dưỡng và được anh Dũng, chị Thanh đăng ký tạm trú tại địa chỉ của gia đình.
Gia đình anh Dũng, chị Thanh có nguyện vọng đăng ký thường trú cho Lỳ để em có thể tiếp cận được chương trình điều trị.
Trung tâm SCDI đã liên hệ với Công an quận Lê Chân để đề nghị giải quyết việc trên theo quy định của pháp luật. Sau khi nhận được đơn của em Lỳ, Công an quận Lê Chân mà cụ thể là Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính đã cử cán bộ xử lý hồ sơ. Nhờ sự tận tình của các anh chị công an, trường hợp của em Lỳ đã được giải quyết theo đúng quy định.
Sự việc nói trên đã khiến tôi rất cảm phục tinh thần, thái độ tận tụy vì nhân dân phục vụ của cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính Công an quận Lê Chân - thành phố Hải Phòng. Việc làm của các anh, chị là tấm gương sáng của người chiến sĩ Công an nhân dân trong việc giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn các anh, chị!
Kính chúc các anh chị luôn mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ và nữa những người dân có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn!
Khuất Thị Oanh
Giám đốc Trung tâm