"CÔNG AN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG, ĐIỀU LỆNH; XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ"

Cảnh báo cháy xảy ra tại nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh

A
Cập nhật: 16/07/2022 15:27

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, 6 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 848 vụ cháy, làm chết 41 người, bị thương 42 người; ước tính thiệt hại tài sản khoảng 414,73 tỷ đồng và 40,87 ha rừng.

Ngoài ra, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1.778 vụ sự cố chạm chập thiết bị điện trên cột điện, trong nhà dân và cháy cỏ, rác. Về tình hình nổ, xảy ra 8 vụ, làm 8 người chết và 10 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ nổ giảm 3 vụ, nhưng tăng 2 người chết.

Qua đánh giá tìm hiểu nguyên nhân và loại hình xảy ra cháy, cơ quan chức năng xác định, trong số 848 vụ cháy thì có 322 vụ cháy nhà dân (chiếm 37,97%); 183 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh (chiếm 21,85%); 109 vụ cháy phương tiện giao thông (chiếm 12,85%); 69 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh (chiếm 8,14%); còn lại là các vụ cháy chung cư, cháy rừng , cháy trụ sở làm việc, cháy chợ, cháy cơ sở giáo dục, cháy quán bar, karaoke...

Về nguyên nhân xảy ra các vụ, sự cố cháy chủ yếu do sự cố thiết bị điện, sơ xuất bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và do đốt cỏ, rác. Trong đó, cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm 46,93%; do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt chiếm 10,5%; do sự cố kỹ thuật chiếm 2,95%; do tai nạn giao thông chiếm 0,47%; do vi phạm quy định an toàn PCCC chiếm 0,47%; do tự cháy chiếm 0,12%; do tác động hiện tượng thiên nhiên chiếm 0,12% và nguyên nhân khác chiếm 2,71%..

Cũng trong thời gian trên, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động làm tốt công tác tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và tham gia công tác phòng chống thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất, hỗ trợ nhân dân bị mắc kẹt do mưa lũ, ngập lụt; tổ chức hướng dẫn thoát nạn hàng nghìn người, trực tiếp cứu và bảo vệ tài sản hàng tỷ đồng trong các vụ cháy, tai nạn, sự cố.

Để hạn chế thấp nhất cháy, nổ xảy ra, đặc biệt là đang trong mùa nắng nóng, Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị. Lắp đặt các thiết bị bảo vệ như cầu chì, công tắc, cầu dao chống quá tải, chập cháy do đường dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn…

Người dân cũng không nên dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, “trường hợp bất khả kháng” thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ”. Khi ô tô, xe máy… bắt buộc phải để trong nhà thì nên cách xa nơi đun nấu. Đối với nơi thờ cúng sử dụng các vật liệu chống cháy, hạn chế đốt vàng mã và chỉ thắp hương khi có người trông coi. Trước khi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ người dân phải kiểm tra nơi đun nấu, thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Ngoài ra, cơ quan công an khuyến cáo, người dân không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa thoát hiểm, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy, thống nhất các thành viên trong gia đình biết. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Đối với nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên. Đồng thời chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn và không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn.

Mỗi gia đình cũng nên dự kiến các tình huống để thoát nạn an toàn khi có cháy. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô, thùng để phục vụ chữa cháy, bình chữa cháy, các thiết bị cảnh báo cháy sớm, phổ biến cho mọi người trong gia đình biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.

Đối với các cơ quan, doanh nghiệp phải quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, sắp xếp vật tư, hàng hóa gọn gàng đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC và ngăn cháy theo quy định. Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị, phương tiện PCCC… xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ với nhiều tình huống giả định để chủ động xử lý khi có cháy, nổ xảy ra.

Cháy nổ tại nhà dân luôn hiện hữu mọi lúc, mọi nơi, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhất là đang trong cao điểm nắng nóng. Vì vậy, mỗi hộ gia đình không thể chủ quan với “giặc lửa”; mỗi người dân cần thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với vấn đề an toàn cháy nổ; có phương án chủ động phòng ngừa để bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần hạn chế các vụ cháy xảy ra.

Gửi ý kiến:

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

TƯ CÁCH
NGƯỜI CÔNG AN CÁCH MỆNH LÀ:

Đối với tự mình, phải
CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH Đối với đồng sự, phải
THÂN ÁI GIÚP ĐỠ Đối với chính phủ, phải
TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH Đối với nhân dân, phải
KÍNH TRỌNG LỄ PHÉP Đối với công việc, phải
TẬN TỤY Đối với địch, phải
CƯƠNG QUYẾT, KHÔN KHÉO Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi Công an Khu XII,
ngày 11 tháng 3 năm 1948.
Lượt truy cập: 21304674
Trực tuyến: ...