Trong 3 tháng hè, các vụ tai nạn đuối nước thường xảy ra do thiếu sự giám sát của người lớn và sự chủ quan của cha mẹ đối với trẻ em. Trong những ngày thời tiết nắng oi nóng, trẻ em hay rủ nhau tắm ở biển, sông, hồ, ao...Do thiếu các kỹ năng, lại xảy ra ở những nơi vắng nên các em rất dễ bị đuối nước. Đa số các em tự do vui chơi, rủ nhau đi tắm biển, sông, hồ, ao... hoặc phụ giúp gia đình bắt ốc, cua, cá... do không cẩn thận nên dễ xảy ra tình trạng trượt chân xuống nơi có nước sâu. Bên cạnh đó, một số trẻ em không biết bơi, thiếu các kỹ năng, kiến thức về sự an toàn khi đi tắm biển, sông, hồ, ao cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các vụ tai nạn đuối nước. Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng các em cứu lẫn nhau, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ em bị chết đuối tăng lên. Hầu hết trẻ em chỉ được học bơi từ cha mẹ, anh chị em hoặc bạn bè khi xuống sông, ao, biển tắm, mà thiếu những kiến thức, kỹ thuật bơi căn bản nên khi gặp những trường hợp bất ngờ, nguy hiểm, trẻ thường thấy lúng túng, không biết xử lý dẫn đến tình trạng tử vong.
Và gần đây nhất, ngày 05/6/2019, cháu Lê Hữu Hải Quyền, sinh năm 2008, ở phường Đằng Hải, Hải An, Hải Phòng đi chơi ở khu vực đầm cá của người thân thuộc nông trường Thành Tô, phường Tràng Cát, Hải An, Hải Phòng thì bị ngã xuống đầm và tử vong do đuối nước.
Để hạn chế mức thấp nhất trẻ em bị đuối nước, chính quyền địa phương, gia đình, các bậc phụ huynh cần phải luôn nhắc nhở con cái không nên chơi tại những khu vực biển, sông, suối, ao, hồ. Đồng thời cần nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phòng chống đuối nước đối với trẻ em và cần có các giải pháp phòng chống trực tiếp, thiết thực, hiệu quả tại những địa bàn có khả năng xảy ra đuối nước.