Nhiều gia đình đã hàn kín không gian thoáng của ngôi nhà hoặc gia cố thêm các “chuồng cọp” với mục đích chống trộm hoặc tăng diện tích nhà. “Việc làm này gây mất an toàn trong phòng cháy, chữa cháy. Bởi, vật liệu các gia đình sử dụng để gia cố thường bằng sắt thép, bê tông kiên cố, gây cản trở cho lực lượng Công an tiếp cận hiện trường khi hỏa hoạn xảy ra để dập lửa và giải cứu nạn nhân”.
Cửa cuốn ra vào nhà số 144 Văn Cao, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Hải Phòng đóng, gây khó khăn cho lực lượng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Những nhà dạng ống gần như chỉ có lối thoát hiểm duy nhất là cầu thang. Khi có cháy, lối này đã bị khói, lửa chặn nên phương thức tối ưu nhất của lực lượng phòng cháy, chữa cháy là phải cắt dỡ những lồng sắt để mở đường cứu nạn. “Thời gian cắt các lồng sắt khá lâu dẫn tới không kịp cứu người. Lồng sắt nào càng được gia công kiên cố thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản càng lớn”.
Công an thành phố khuyến cáo, đối với các hộ gia đình cần bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ. Các gia đình cần trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ lọc độc, nước chữa cháy… và biết cách sử dựng những phương tiện này. Cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng điện tròn, bàn là, bếp điện, thiết bị sưởi ấm…Các hộ dân không nên thiết kế, lắp đặt "chuồng cọp", trường hợp cần thiết nên bố trí ô cửa để thoát hiểm. Mỗi gia đình cần có phương án thoát nạn và chia sẻ cho các thành viên trong gia đình biết. Các gia đình nên hạn chế để trẻ em ở nhà một mình, không để trẻ em chơi đùa tại khu vực ban công… Khi xảy ra cháy, nếu phải băng qua lửa, khói, người dân phải dùng khăn ướt để bảo vệ cơ quan hô hấp; không trú ẩn dưới gầm giường, tủ quần áo, trong nhà vệ sinh; trước khi mở cửa dùng mu bàn tay kiểm tra nhiệt...