Đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC đối với một số nội dung quản lý nhà nước về PCCC như “thẩm tra thiết kế về phòng cháy và chữa cháy”, “kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy” trong dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ. Bộ Công an đang lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2025. Theo đó, dự thảo Luật gồm 8 chương, 58 Điều, bổ sung và quy định bao quát hơn các nội dung có liên quan đến quản lý về PCCC đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Mở rộng phạm kinh doanh dịch vụ về phòng cháy và chữa cháy nhưng cần đặt dưới sự quản lý của nhà nước.
Đồng thời, bổ sung thêm các quy định về phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ, nhằm cụ thể hóa và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Trong những năm qua, công tác xã hội hóa về PCCC đã xuất hiện ở một số loại hình và đã đạt được những kết quả, cụ thể như: cho phép đăng ký hoạt động tư vấn kiểm tra, định kỹ thuật về PCCC (hiện nay, trên cả nước có khoảng 15 đơn vị đã đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo hoạt động kiểm định về PCCC); nhiều tổ chức, doanh nghiệp đăng ký hoạt động tư vấn thẩm định về PCCC, huấn luyện về nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy … (đến nay có khoảng 4.000 doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ PCCC), đây là yếu tố thuận lợi trong việc cạnh tranh về chất lượng phục vụ trong các hoạt động dịch vụ PCCC, góp phần thúc đẩy thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC ngay từ giai đoạn lập quy hoạch, thiết kế, thi công xây dựng công trình.
Nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC đối với một số nội dung quản lý nhà nước về PCCC, tại Điều 49 dự thảo Luật đã bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh dịch vụ “thẩm tra về phòng cháy và chữa cháy” và “kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy” nhưng đặt dưới sự quản lý của nhà nước dưới hình thức là các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung này.
Trên cơ sở đó, Bộ Công an tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách quản lý các doanh nghiệp, cơ sở làm dịch vụ thẩm tra về phòng cháy và chữa cháy, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy. Đối với các cơ sở, hộ gia đình không thực hiện được việc tự kiểm tra an toàn PCCC thì có thể thuê các đơn vị tư vấn kiểm tra an toàn PCCC để thực hiện hoạt động tự kiểm tra an toàn PCCC của đối tượng được kiểm tra. Đối với các cơ sở đã thực hiện hoạt động tư vấn kiểm tra an toàn PCCC thì cơ quan Cảnh sát PCCC sẽ giảm số lần, số lượt kiểm tra an toàn PCCC của cơ sở theo quy định mà chỉ tiến hành kiểm tra đột xuất hoặc thực hiện hoạt động thanh tra PCCC.
Hiện nay pháp luật về PCCC đã cho phép thành lập các cơ sở kinh doanh dịch vụ về tư vấn thẩm định về PCCC, hơn nữa trong pháp luật về quản lý xây dựng cũng cho phép sử dụng kết quả của đơn vị tư vấn thẩm tra đối với hồ sơ thiết kế về xây dựng để cơ quan quản lý về xây dựng xem xét cấp phép đối với hồ sơ thiết kế xây dựng công trình. Trong khi đó thiết kế về PCCC là một bộ phận trong tổng thể thiết kế công trình. Vì vậy, việc bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ “thẩm tra về phòng cháy và chữa cháy” là cơ sở để Chính phủ, Bộ Công an ban hành các quy định cụ thể đối với các đối tượng công trình cần tổ chức tư vấn thẩm tra, thẩm định về PCCC và quy định cụ thể các thủ tục thẩm tra, thẩm định về PCCC để vừa rút ngắn thủ tục hành chính trong công tác thẩm định về PCCC, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, thẩm tra về thực hiện quy định của pháp luật, quy chuẩn tiêu chuẩn về PCCC của dự án, công trình.
Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH