Những ngày thu tháng 8 lịch sử này, Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) trên sông thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an Thành phố Hải Phòng vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì những nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, dấn thân cứu hỏa nơi đầu sóng.
Cuộc chiến đấu chống giặc lửa trên biển bao nhiêu năm qua ở vùng đất cảng luôn căng thẳng, khốc liệt; có những giây phút nghẹt thở, những hy sinh mất mát chưa bao giờ được nói ra…
Lửa đêm trên boong tàu
“Bức ảnh đen trắng đã nhòe mờ theo thời gian này chụp cảnh chữa cháy tàu Alexander Grin cách đây 55 năm tại cảng biển Hải Phòng. Còn chiếc hòm gỗ này là kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Đình Thành, một trong hai chiến sĩ của Đội PCCC thuộc Sở Công an Hải Phòng đã anh dũng hy sinh trong trận chiến với giặc lửa khi ấy. Tất cả luôn nhắc nhớ sự hy sinh của thế hệ đi trước, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử vẻ vang của lực lượng Cảnh sát PCCC Hải Phòng”, Thượng tá Lê Đình Nam, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hải Phòng nói những lời xúc động khi đưa chúng tôi đi thăm quan phòng truyền thống của đơn vị.
Chữa cháy tàu Alexander Grin tại Cảng Hải Phòng năm 1968.
Cho tới bây giờ, dù đã hơn nửa thế kỷ, nhưng những người dân Hải Phòng từng sống thời ấy hẳn vẫn không quên vụ cháy kinh hoàng trên tàu Alexander Grin. 21h30 ngày 5/8/1968, một vụ cháy kinh hoàng đã xảy ra tại cảng biển Hải Phòng. Con tàu bốc cháy mang tên Alexander Grin đến từ Liên Xô, có trọng tải 12.000 tấn, chở hơn 2.000 tấn phân đạm NHNO viện trợ cho Việt Nam. Giữa vùng biển tối thẫm, tàu Alexander Grin như bó đuốc khổng lồ, cột khói màu cam cao hàng chục mét bốc lên. Tình thế cực kì nguy hiểm, bởi nếu tàu nổ tung sẽ biến 1/3 thành phố Hải Phòng thành một vùng đổ nát và tràn ngập những đám mây khí độc.
Ngay khi nhận tin, Đội Cảnh sát PCCC thuộc Sở Công an Hải Phòng đã điều động lực lượng và phương tiện chữa cháy đến địa điểm tàu Alexander Grin đang neo đậu để tham gia cứu chữa. Khi tới nơi thì ngọn lửa đã bốc cao, cả khu vực cảng nồng nặc khí độc uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng của công nhân, thủy thủ nước ngoài. Lúc bấy giờ đã có ý kiến đề xuất kéo tàu ra khỏi cảng để bảo đảm an toàn, chấp nhận hy sinh con tàu và toàn bộ hàng hóa. Nhưng với quyết tâm cứu tàu, cứu hàng, Đội PCCC chỉ với hai, ba chiếc mặt nạ phòng độc và một số mặt nạ do thủy thủ tàu Liên Xô cung cấp vẫn bất chấp hiểm nguy leo lên boong tàu, hướng vòi rồng phun nước xối xả vào khoang chứa phân đạm đang bốc cháy.
Sau nhiều giờ chiến đấu liên tục, ai nấy đều đen xạm, tức ngực khó thở vì hơi độc. Nhiều đồng chí bị nhiễm độc ngất đi, nhưng khi được cấp cứu tỉnh lại đã xông ngay lên tàu chữa cháy. Trong trận chiến đấu này, đồng chí Nguyễn Đình Thành – Tiểu đội trưởng Phân đội chữa cháy trung tâm và đồng chí Đỗ Duyên Thịnh - chiến sĩ phân đội chữa cháy trung tâm, cùng 6 sĩ quan, thuyền viên Liên Xô bị hơi độc đã anh dũng hy sinh. 33 đồng chí khác bị nhiễm độc phải nằm bệnh viện điều trị, có đồng chí bị quá nặng phải thay máu. Gương chiến đấu, hy sinh của các chiến sĩ PCCC đã lan tỏa trong quần chúng nhân dân, nhất là lực lượng PCCC bán chuyên trách, tạo khí thế thi đua rộng khắp miền Bắc. Trước chiến công xuất sắc của Đội PCCC Sở Công an Hải Phòng, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho tập thể đội Huân chương Chiến công hạng Nhất vào năm 1969.
19 ngày đêm không ngủ
Nếu như ở trên đất liền, một đốm lửa nhỏ đã tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường, thì lửa trên boong tàu còn đáng sợ hơn gấp nhiều lần. Bởi chữa cháy trên biển có những đặc thù riêng. Tàu chữa cháy rất khó tiếp cận trúng mục tiêu chữa cháy vì bị ảnh hưởng lớn từ gió, sóng và dòng nước. Từ vụ cứu tàu Alexander Grin đến nay, Cảnh sát PCCC và CNCH Hải Phòng ngày càng khẳng định được bản lĩnh, năng lực chữa cháy trên biển. Vụ cháy tàu Shun Cheng (Đài Loan) ngày 30/9/2013, cháy tàu Contship ACE của Cộng hòa Sip tại cảng Nam Hải ngày 27/11/2015 và nhiều vụ hỏa hoạn, rò rỉ hóa chất khác đều được khống chế kịp thời.
Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an Thành phố Hải Phòng diễn tập chữa cháy trên biển.
Cho đến tận bây giờ, kí ức kinh hoàng của vụ cháy tàu Hải An năm 2017 vẫn còn nóng rực trong tâm trí của Thượng tá Lê Đình Nam. Vào lúc 12h30 ngày 21/9/2017, vùng biển Hải Phòng bùng lửa dữ dội từ con tàu Hải An 16 thuộc Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Hoàng Phát. Đây là tàu chở xăng dầu được đóng trong nước, hạ thủy năm 2010, có chiều dài 91m, rộng 15,5m, trọng tải 5.000 tấn. Thời điểm đó, tàu chở hơn gần 4 triệu lít xăng A92 từ Dung Quất về trả hàng tại cầu cảng xăng dầu K99 (cảng Đình Vũ, quận Hải An) thì bị sự cố nổ buồng bơm khiến ba thuyền viên bị thương nặng và tử vong. Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng cùng các cơ quan chức năng kịp thời có mặt xử lý không cho lửa bắt cháy vào khoang chứa hàng chứa đầy xăng A92.
Sự cố buồng bơm đã làm phần vỏ đáy tàu bị thủng. Rất nhanh, nước qua lỗ thủng tràn vào khoang máy, cộng với một lượng xăng theo đường ống công nghệ trào ngược lại khu vực buồng máy khiến cho hỗn hợp xăng - nước cứ dâng cao dần. “Khu vực buồng máy và buồng bơm tại thời điểm đó tồn tại nồng độ hơi xăng luôn trong ngưỡng “nguy hiểm nổ”, nếu không có phương pháp xử lý đúng và kịp thời sẽ có nguy cơ nổ xăng gây cháy. Sẽ là thảm họa cho thành phố Hải Phòng khi gần 4 triệu lít xăng A92 tràn ra sông gây ô nhiễm môi trường, gây cháy lan vào các tàu thuyền trên sông và các công trình, cơ sở hạ tầng thuộc khu vực Cảng Đình Vũ”, Thượng tá Nam nhớ lại.
Để đảm bảo an toàn cho cảng K99 và các khu vực lân cận, tàu Hải An 16 được lai dắt ra khu neo đậu ở cửa sông Bạch Đằng (cách xa khu vực cảng) để các lực lượng chức năng tiến hành các hoạt động phòng, chống cháy, nổ, cứu nạn cứu hộ, cứu đắm, chuyển tải lượng xăng A92 còn lại trên tàu vào kho chứa K99.
Việc loại trừ nguy cơ phóng tia lửa điện của các bình ắc quy trong buồng máy bị ngập nước được đặt ra cấp bách để tránh một vụ nổ tàn khốc. Một con tàu khác là tàu Hải Hà 18 được bố trí đến hút hỗn hợp xăng - nước trong buồng máy. Tuy nhiên, vào lúc 23h ngày 23/9/2017, máy bơm của tàu Hải Hà 18 đột ngột gặp sự cố. Trong khi đó nước bên ngoài sông do thủy triều lên cao tiếp tục chảy vào buồng máy, buồng bơm, nguy cơ ngập các ắc quy và hiện tượng phóng điện gây nổ và xăng chảy tràn ra sông đang cận kề.
Trước tình hình nguy cấp, một tổ công tác được cử xuống tàu để thực hiện phương án loại trừ nguy cơ phóng tia lửa điện từ các ắc quy trong buồng máy ngay trong đêm. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cực kỳ nguy hiểm. Chỉ cần một sai sót nhỏ sẽ gây hậu quả vô cùng thảm khốc, tổ công tác có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Giữa lằn ranh sinh tử, Thượng tá Lê Đình Nam lúc đó là Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông - Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng, Đại úy Phạm Văn Nam, Thượng úy Hoàng Văn Thám – lúc đó là đội trưởng thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông đã không chút đắn đo, xung phong xuống tàu.
Đêm ấy, trên con tàu vắng lặng như tờ, ngột ngạt và căng thẳng, Thượng tá Nam quan sát tình huống, lên phương án thực hiện đồng thời chỉ đạo hai đồng chí Nam và Thám di chuyển xuống buồng máy, tiến hành các thao tác khống chế ắc quy. Lúc này hỗn hợp nước và xăng đã dâng cao trong buồng máy, gần ngập các ắc quy gây khó khăn lớn cả về không gian và thời gian đối với tổ công tác. Mặt khác trong không gian buồng máy chứa đầy khí độc của xăng gây bỏng lạnh và ngộ độc hơi xăng, nếu hít phải gây chết người. Với trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lòng dũng cảm, các đồng chí đã nhanh chóng, thành thạo xử lý toàn bộ các đầu nối ắc quy, loại trừ được nguy cơ phóng điện trong buồng máy khi ngập nước.
Gần 1 giờ sáng ngày 24/9/2017, tàu Hải An 16 về cơ bản được đảm bảo an toàn. Ngay sau đó các lực lượng, phương tiện chữa cháy tiếp tục làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn PCCC, CNCH trong suốt quá trình bơm hút xăng, vệ sinh công nghiệp buồng máy, hầm hàng. Sau 19 ngày căng như dây đàn, đến ngày 9/10/2017, các hoạt động cứu hộ ngăn ngừa nguy cơ nổ tàu Hải An 16 kết thúc, tàu được đưa vào xưởng sửa chữa để vệ sinh phục vụ công tác điều tra khám nghiệm hiện trường.
“Đêm ấy, giây phút xung phong xuống tàu vô hiệu hóa ắc quy, trong đầu anh nghĩ gì?”, một câu hỏi đặt ra cho Thượng tá Lê Đình Nam. Anh khẽ cười: “Tôi không nghĩ gì. Bởi nếu nghĩ, thì có lẽ tôi đã không xuống tàu, bởi lần xuống đó có thể là lần cuối cùng tôi còn được làm nhiệm vụ”.
Lập nên những chiến công xuất sắc, năm 2019, Thượng tá Lê Đình Nam, Đại úy Phạm Văn Nam, Thượng úy Hoàng Văn Thám đã được nhận Huân chương chiến công hạng Ba của Chủ tịch nước. Vậy là sau đúng nửa thế kỉ từ năm 1969, chiến công của những người anh hùng chống giặc lửa trên biển một lần nữa được vinh danh.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH