Để bảo đảm an toàn các nguồn sinh điện, sinh nhiệt trong các hộ gia đình, Phòng cảnh sát PCCC và CNCH CATP khuyến cáo các hộ gia đình (không thuộc nhà chung cư) thực hiện một số nội dung sau:
1. Tuyên truyền, hướng dẫn hộ gia đình thực hiện các quy định về bảo đảm điều kiện an toàn PCCC, bao gồm:
- Đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong hộ gia đình thực hiện quy định của pháp luật về PCCC; nghiên cứu, nắm vững kiến thức cơ bản vê PCCC, thoát nạn, cứu người trong đám cháy, sơ cứu ban đầu.
- Thường xuyên tự kiểm tra, phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt.
- Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ.
- Sử dụng phương tiện chữa cháy thông dụng và phương án thoát nạn phù họp khi có sự cố cháy, nổ.
2. Hướng dẫn giải pháp ngăn cháy lan
- Đối với nhà ở kết họp sản xuất, kinh doanh có nơi chứa hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ nên bố trí tách biệt với nơi ở, sinh hoạt.
- Đối với nơi sản xuất, kinh doanh, chứa hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ, nơi để phương tiện giao thông cơ giới, cần hướng dẫn giải pháp ngăn cháy với lối thoát nạn.
- Đối với nhà ở có tầng hầm, tầng nửa hầm, cần hướng dẫn giải pháp ngăn khói, ngăn cháy lan lên tầng trên qua cầu thang bộ, giếng thang máy, trục kỹ thuật thông tầng; không nên bảo quản, sử dụng chất khí, chất lỏng dễ cháy, nổ trong tầng hầm.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy khu nhà tập thể đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng
3. Hướng dẫn giải pháp thoát nạn
- Đối với nhà có 1 lối thoát nạn, cần hướng dẫn bố trí thêm phương án thoát nạn khác, có thể là cầu thang sắt ngoài nhà, ống tụt hoặc thang dây, dây thả chậm đặt tại ban công, lô gia, sân thượng...
- Đối với lối đi, lối thoát nạn, cần hướng dẫn giải pháp giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động của các yếu tố nguy hiểm từ đám cháy, cụ thể:
+ Trên hành lang, lối thoát nạn, cầu thang thoát nạn của nhà không nên để các thiết bi, vật dụng nhô ra khỏi mặt tường ở độ cao dưới 2m (chiều cao được xác định từ sàn nhà hoặc bậc thang, chiếu nghỉ đến mép dưới của thiết bị, vật dụng) các ống dẫn chất lỏng, chất khí dễ cháy;
+ Cầu thang bộ thoát nạn trong nhà nên sử dụng vật liệu không cháy hoặc khó cháy; hạn chế cầu thang xoắn ốc;
+ Lối thoát nạn từ cầu thang bộ tại tầng 1 nên bố trí thoát ra ngoài trực tiếp hoặc qua lối đi an toàn có đủ chiều rộng cho người di chuyển thuận lợi. Không nên để phương tiện, hàng hóa, đồ dùng, vật liệu dễ cháy hoặc nguồn lửa, nguồn nhiệt tại lối thoát nạn hoặc liền kề;
+ Cửa đi ra ngoài nhà tại tầng 1 nên sử dụng cửa có bản lề (cửa cánh), hạn chế lắp đặt cửa trượt, cửa cuốn; nên bố trí nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng...) trong nhà để kịp thời mở cửa khi xảy ra sự cố cháy nổ. Trường hợp lắp đặt cửa cuốn thì cần có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở cửa khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng.
Đối với nhà ở có ban công, lô gia hoặc cửa sổ ở mặt tiếp giáp với đường giao thông, cần bảo đảm thông thoáng để thoát nạn khi cần thiết; trường hợp lắp đặt lồng sắt, lưới sắt thì nên bố trí ô cửa để thoát nạn khi có cháy, nổ. Việc lắp đặt biển quảng cáo bên ngoài nhà cần bảo đảm an toàn PCCC và thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với tầng mái (sân thượng), nên có lối lên từ tầng dưới qua cầu thang hoặc ô cửa có kích thước đủ rộng để có thể di chuyển lên tầng mái và tính toán đến khả năng thoát nạn sang nhà liền kề.