Ngày 28/12/2021, Bộ Công an ban hành Thông tư số 123/2021-TT-BCA về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 03:2021/BCA về “Phương tiện phòng cháy và chữa cháy” (QCVN 03:2021/BCA), trong đó quy định phương pháp lấy, lưu mẫu thử nghiệm; các yêu cầu kỹ thuật, phương thức kiểm định và quản lý về hoạt động kiểm định các phương tiện phòng cháy và chữa cháy được sản xuất mới, lắp ráp, hoán cải trong nước hoặc nhập khẩu trước khi đưa vào lưu thông ra thị trường tại Việt Nam.
Để hỗ trợ các đơn vị có nhu cầu thực hiện hoạt động tư vấn kiểm tra, kiểm định về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và bảo đảm quy chuẩn QCVN 03:2021/BCA, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) hướng dẫn chi tiết về điều kiện kinh doanh hoạt động tư vấn kiểm tra, kiểm định về phòng cháy và chữa cháy như sau:
1. Yêu cầu về nhân lực
- Người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh phải có Văn bằng hoặc Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC và là người có tên tại một trong các văn bản sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; văn bản thành lập hoặc cho phép hoạt động kèm theo văn bản thông báo mã số thuế đối với đơn vị sự nghiệp (quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP);
- Có ít nhất 02 cá nhân hoạt động cho cơ sở kinh doanh có Chứng chỉ hành nghề tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về PCCC (quy định tại khoản 5 Điều 41 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP);
- Cá nhân để được cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về PCCC phải có trình độ cao đẳng trở lên ngành PCCC hoặc trình độ đại học trở lên ngành khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động và đã được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC (quy định tại điểm c khoản 3 Điều 43 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP)
- Cá nhân để được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC phải qua bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy. Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy do cơ sở giáo dục có chức năng đào tạo nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy cấp và có giá trị sử dụng trên phạm vi toàn quốc (quy định tại khoản 3 Điều 43 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và khoản 4 Điều 14 Thông tư số 149/2020/TT-BCA quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP).
2. Yêu cầu về phòng thí nghiệm
Cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về PCCC phải có phòng thí nghiệm, hệ thống quản lý và năng lực hoạt động đáp ứng yêu cầu quy định trong TCVN ISO/IEC 17025:2017 hoặc chứng nhận tương đương, hoặc chứng nhận phòng VILAS của các Bộ, ngành có thẩm quyền đối với từng chỉ tiêu thử nghiệm, kiểm định tương ứng.
3. Yêu cầu về trang thiết bị phục vụ kiểm định
Cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định phương tiện PCCC phải có phương tiện, thiết bị phục vụ kiểm định được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, hiệu chuẩn bảo đảm khả năng kiểm tra, kiểm định đối với từng tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật của các phương tiện PCCC. Các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật và phương tiện kiểm tra, kiểm định đối với từng phương tiện PCCC được nêu tại Phụ lục kèm theo.