Thông qua các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người, có thể thấy rằng có rất nhiều loại khí độc vô cùng nguy hiểm được sinh ra trong khói của đám cháy như co, C02, amoniac, axit hữu cơ... Trong đó, CO và C02 là nguyên nhân chính gây tử vong. Trong nhiều vụ hỏa hoạn, nạn nhân tử vong do ngộ độc khí dẫn đến suy hô hấp. Vì vậy, khi có cháy, cần di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt.
Các triệu chứng tổn thương bị ngạt khí là khó thở, mất định hướng, mất tri giác, bị bỏng, cháy da... Ở mức độ trung bình, nạn nhân cảm thấy đau đầu dữ dội, chóng mặt, rối loạn thần kinh, buồn nôn, ngất xỉu; nặng sẽ bị ngất, hôn mẽ, co giật, loạn nhịp tim, trụy mạch và tử vong. Những trường hợp tử vong do ngạt khí thường diễn ra rất từ từ, như một giấc ngủ sâu, không lường trước được, không gây đau đớn. Đến khi bị sốc do thiếu oxy, cơ thể ngột ngạt, khó thở thì lập tức họ đã rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong do ngạt.
Thông qua thực tế các vụ cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - CATP nêu ra một số kỹ năng sơ cứu người nhiễm độc khí trong đám cháy như sau:
Nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng không khí, đưa nạn nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt và lưu ý bảo đảm an toàn cho người cấp cứu. Nếu nạn nhân bất tĩnh, kiểm tra nhịp thở và mạch đập cũa nạn nhân rồi chuẩn bị hô hấp nhân tạo miệng - miệng hay miệng - mũi.
Nhanh chóng gọi người hỗ trợ, gọi cấp cứu 115. Khi được đưa đến phòng cấp cứu, nạn nhân sẽ được tiếp oxy, kiểm tra nhịp thở, mạch đập và mức độ phản úng của nạn nhân. Cần đưa người bị nạn đến phòng cấp cứu nhanh nhất có thể để hạn chế di chứng. Trong quá trình tới viện nếu nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh, cần phải hà hơi thổi ngạt. Nặng hơn thì đặt ống thở nội khí quản.
Khói khí độc sinh ra trong đám cháy gây cản trở tầm nhìn, gây kích ứng mắt làm nạn nhân mất phương hướng rất khó khăn cho việc thoát nạn và công tác cứu người bị nạn trong các đám cháy. Một số kỹ năng phòng tránh ngộ độc khí cơ bản trong đám cháy như sau:
Để chống hít phải khói khí độc, cần sử dụng khăn thấm nước che miệng, mũi lọc không khí khi hít thở. Có thể sử dụng mặt nạ chống khói nếu được trang bị trước.
Muốn thoát ra khỏi đám cháy, ngoài việc dùng khăn thấm nước che miệng, mũi lọc không khí, nạn nhân phải dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy nhanh qua đám lửa ra ngoài, tránh bị cháy quần áo gây bỏng da.
Khói sinh ra luôn có xu hướng bay lên trên, khu vực khói và không khí sạch luôn được ngăn cách bằng một mặt phẳng gọi là mặt phẳng cân bằng áp suất, khi lượng khói phát sinh nhiều, người thoát nạn phải cúi khom người, quỳ, bò hoặc trườn ra khỏi đám cháy.
Cố gắng giữ bình tĩnh, nhanh chóng gọi điện thoại báo ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ theo số điện thoại: 114 để được cứu nạn kịp thời.