"CÔNG AN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG, ĐIỀU LỆNH; XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ"

Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy

A
Cập nhật: 16/04/2021 06:47

 Sáng 15-4, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. Thiếu tướng Lê Quốc Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chủ trì Hội nghị.

Tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hải Phòng có các đồng chí: Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ; Đại tá Phạm Viết Dũng, Phó Giám đốc Công anthành phố và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hải Phòng.

Theo số liệu thống kê, trong 3 năm qua (2018-2020) cả nước đã xảy ra gần 11.000 vụ cháy, làm chết 235 người, bị thương 508 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính gần 5.000 tỷ đồng và khoảng 32.000 ha rừng. Trong số các vụ cháy có 118 vụ cháy lớn, làm chết 30 người, bị thương 72 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 4.000 tỷ đồng; có 193 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, làm chết 205 người, bị thương 436 người.

Các vụ cháy lớn xảy ra tại 34/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, có nhiều khu dân cư tập trung. Các vụ cháy lớn xảy ra tại các địa phương khu vực miền Nam chiếm 50,8%; các địa phương khu vực miền Bắc chiếm 33,1% và khu vực miền Trung chiếm 16,1%. Còn tại Hải Phòng, trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020, thành phố xảy ra 345 vụ cháy và 4 vụ nổ làm chết 2 người, bị thương 20 người, thiệt hại về tài sản trên 120 tỷ đồng.

Đại tá Phạm Viết Dũng Phó Giám đốc CATP phát biểu chỉ đạo kết thúc hội nghị

Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển của ngành, địa phương với quy hoạch tổng thể về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy nên việc chấp hành các quy định của pháp luật chưa nghiêm; ý thức trách nhiệm của một bộ phận quần chúng nhân dân đối với công tác phòng cháy chữa cháy chưa cao, còn chủ quan, thiếu ý thức trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị điện cho sinh hoạt…

Tại Hội nghị, Bộ Công an đã hướng dẫn về huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp khi vượt quá khả năng ứng phó của lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý và phát động đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những ưu, khuyết điểm, tồn tại và nguyên nhân trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn thời gian qua và thực hiện có hiệu quả các biện pháp này trong những năm tiếp theo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy lớn gây ra, đặc biệt nâng cao trách nhiệm của các lực lượng có liên quan trong công tác phòng cháy chữa cháy.

Hội nghị cũng đã phát động đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, biện pháp cấp bách như: Tiếp tục tham mưu, đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ; tham mưu cho Bộ Công an triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ”. Đồng thời, đẩy mạnh công tác điều tra, phân loại cơ sở thuộc diện quản lý phòng cháy chữa cháy, nhất là địa bàn có nhiều nguy cơ cháy nổ gây thiệt hại cao; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở, địa bàn có nguy cơ cháy nổ cao, khi cháy có nguy cơ xảy ra cháy lớn; tổ chức thực hiện nghiêm công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ 24/24h. Địa phương nào không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn để gia tăng số vụ cháy, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ Công an.

Phát biểu tại điểm cầu Hải Phòng, Đại tá Phạm Viết Dũng Phó Giám đốc CATP đề nghị Phòng PC07 CATP phối hợp với Công an các đơn vị địa phương triển khai ngay các nội dung được quán triệt tại hội nghị trực tuyến tới CBCS đơn vị; đồng thời xây dựng kế hoạch nội dung tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC và 20 năm Ngày toàn dân PCCC…

Gửi ý kiến:

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

TƯ CÁCH
NGƯỜI CÔNG AN CÁCH MỆNH LÀ:

Đối với tự mình, phải
CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH Đối với đồng sự, phải
THÂN ÁI GIÚP ĐỠ Đối với chính phủ, phải
TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH Đối với nhân dân, phải
KÍNH TRỌNG LỄ PHÉP Đối với công việc, phải
TẬN TỤY Đối với địch, phải
CƯƠNG QUYẾT, KHÔN KHÉO Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi Công an Khu XII,
ngày 11 tháng 3 năm 1948.
Lượt truy cập: 21298479
Trực tuyến: ...