"CÔNG AN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG, ĐIỀU LỆNH; XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ"

Một số khó khăn và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy đối với đám cháy tại nhà cao tầng, siêu cao tầng

A
Cập nhật: 29/08/2023 07:16

Những khó khăn khi triển khai công tác chữa cháy đối với đám cháy tại nhà cao tầng, siêu cao tầng:

- Việc tiếp cận nhà cao tầng, siêu cao tầng của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH gặp khó khăn do nhà cao tầng được xây dựng ở các khu đô thị tập trung đông người, đường giao thông có mật độ cao, đặc biệt là các giờ cao điểm tại các thành phố lớn; đường giao thông nội bộ của các nhà cao tầng thường bị chủ đầu tư, ban quản lý, ban quản trị lấn chiếm, tận dụng làm bãi đỗ xe nên không có vị trí cho xe thang, xe chữa cháy triển khai các hoạt động tổ chức chữa cháy. Việc bố trí các Đội chữa cháy và CNCH tại khu vực đô thị theo bán kính bảo vệ theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng (tối đa là 3 km đối với khu vực trung tâm đô thị và 5 km đối với các khu vực khác) dẫn tới thời gian di chuyển tới đám cháy mất nhiều thời gian do đó không khống chế và dập tắt được đám cháy ngay từ giai đoạn ban đầu, dẫn tới cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng;

- Khi cháy xảy ra trên các tầng cao của nhà cao tầng, đặc biệt là cháy xảy ra từ tầng 30 trở lên thì lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH dù sớm tiếp cận nhưng cũng mất nhiều thời gian để tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ do không có phương tiện cơ giới để triển khai chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ lên đến tầm cao này; hiện lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH được trang bị xe thang chủ yếu là loại cao 32 m, 52 m và cao nhất là 56 m (có thể hoạt động được trong điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông ở nước ta hiện nay), nhưng cũng chỉ triển khai tối đa lên đến được tầng 17, khi triển khai lăng phun nước trên các xe thang chỉ có thể phun nước chữa cháy đến tầng 20;

- Công tác trinh sát đám cháy trong nhà cao tầng cũng gặp khó khăn do CBCS trực tiếp tham gia chữa cháy chưa được trang bị các bộ đồ bảo hộ cá nhân bảo đảm chịu được nhiệt độ cao trong thời gian dài, bộ mặt nạ lọc độc cách ly tuần hoàn khí thở được trang bị chỉ duy trì trong thời gian từ 0,5 h đến 1h, trong khi đám cháy các tầng trên cao thường kéo dài đòi hỏi CBCS phải được trang bị thiết bị mặt nạ lọc độc có thời gian từ 3h trở lên; quá trình di chuyển của CBCS tới các tầng cao bị cháy kéo dài, đặc biệt là những nhà cao tầng chưa được trang bị thang máy chữa cháy hoặc có được trang bị nhưng bố trí cùng với thang dân dụng làm giảm hoặc mất tác dụng của thang máy chữa cháy trong việc sớm đưa lực lượng, phương tiện chữa cháy tiếp cận điểm cháy;

- Khi tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhà cao tầng thì công tác cứu người trong đám cháy được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đặt lên hàng đầu, tiếp theo là tổ chức cứu chữa vụ cháy. Tuy nhiên, khói và sản phẩm cháy làm giảm tầm nhìn, tầm quan sát của CBCS khi không được trang bị thiết bị quan sát, tìm kiếm người trong đám cháy như camera tầm nhiệt gắn mũ hoặc cầm tay, kính hồng ngoại nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu; thời gian tiếp cận để trinh sát điểm cháy, tìm kiếm người bị nạn trên cao kéo dài do không được trang bị thiết bị chuyên dùng là thiết bị bay không người lái mang camera quan sát, tìm kiếm từ trên cao;

- Khi triển khai các hoạt động chữa cháy ở các tầng cao trên tầng 20, lực lượng chữa cháy hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống chữa cháy được trang bị, lắp đặt của tòa nhà như triển khai đường vòi chữa cháy từ các họng chờ bố trí bên ngoài toà nhà thông qua hệ thống đường ống khô được lắp đặt bên trong tòa nhà để triển khai chữa cháy, tuy nhiên công suất hoạt động tối đa của các xe chữa cháy hiện nay cũng chỉ đẩy nước chữa cháy lên chiều cao tối đa 100 m (tương đương tầng 30), nếu sử dụng chất chữa cháy là bọt khô công nghệ CAFS cũng chỉ lên tối đa đến 150 m (tương đương với tầng 40), trong khi hiện nay nước ta đã có nhiều công trình cao tầng có chiều cao trên 200 m;

- Tại các nhà siêu cao tầng hiện nay, hệ thống họng chờ (họng khô) dùng cho lực lượng chữa cháy được thiết kế bảo vệ theo từng cụm tầng, chưa được kết nối liền mạch theo chiều cao công trình; ngoài ra hệ thống họng khô chưa tách biệt với hệ thống chữa cháy trong nhà hoặc có tách biệt nhưng sử dụng van chặn điều khiển bằng tay tại các tầng nên khi xảy ra tình huống cháy, xe chữa cháy tiếp nước qua hệ thống họng khô này không bảo đảm áp lực nước chữa cháy cần thiết để tổ chức chữa cháy;

- Để triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ lên các tầng cao trong trường hợp không thể tiếp cận được qua cầu thang bộ, thang máy chữa cháy, chỉ có thể sử dụng trực thăng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong khi lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chưa được trang bị phương tiện này, chỉ có máy bay trực thăng huy động từ Bộ Quốc phòng để hỗ trợ công tác cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, trường hợp huy động được trực thăng thì công tác cứu nạn, cứu hộ cũng gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai do hầu hết nhà cao tầng ở nước ta hiện nay chưa có bãi đỗ trực thăng ở trên tầng mái; công tác thực tập cứu nạn, cứu hộ bằng trực thăng gần như không có;

- Trường hợp khi tiếp cận cứu người ở trên cao bằng dây ròng rọc thì cũng chỉ cho phép cứu người bị nạn được ở độ cao dưới 150 m do chiều dài hạn chế và tác động của sự chênh lệch áp suất trên cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bị nạn và cán bộ chiến sĩ tham gia cứu nạn. Tuy nhiên, hiện tại cũng chỉ có một số ít đơn vị địa phương được trang bị loại ròng rọc phục vụ công tác cứu người bị nạn bằng phương pháp này.

Với thực trạng nêu trên, để nâng cao hiệu quả của công tác tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đám cháy nhà cao tầng, siêu cao tầng thì lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cần thực hiện một số giải pháp, cụ thể:

- Khi thẩm duyệt thiết kế về PCCC phải lưu ý những vấn đề sau:

+ Thiết kế hệ thống đường ống khô dành cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tách biệt với hệ thống chữa cháy trong nhà của công trình;

+ Thiết kế, lắp đặt thang máy chữa cháy trong các giếng thang riêng biệt, có sảnh thang máy độc lập với sảnh hệ thống thang máy dân dụng chung của toà nhà; có buồng đệm thang máy được tăng áp và có kết nối với cầu thang bộ thoát nạn và gian lánh nạn nhằm giúp lực lượng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng khu vực xảy cháy;

+ Thiết kế, bố trí tầng, gian lánh nạn theo đúng quy định, thiết kế bãi đỗ máy bay trực thăng trên các công trình siêu cao tầng bảo đảm theo quy định;

- Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, năng lực thực tiễn cho cán bộ chiến sĩ làm công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhà cao tầng, siêu cao tầng trong đó chuyên sâu huấn luyện kỹ, chiến thuật chữa cháy trên cao, trong không gian hẹp bằng các bài chiến thuật có sử dụng mô hình huấn luyện mô phỏng tình huống cháy sát với thực tế; tăng cường rèn luyện thể lực giúp CBCS có thể chữa cháy trong thời gian dài;

- Đầu tư, trang bị danh mục các thiết bị, phương tiện chuyên dùng trong chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhà cao tầng, siêu cao tầng như:

+ Trang phục chữa cháy chịu nhiệt độ cao (quần áo cách nhiệt chuyên dùng chịu được nhiệt độ đến 1000 độ C, quần áo chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chịu được nhiệt độ môi trường 250 độ C);

+ Thiết bị bay chữa cháy không người lái có trần bay đến 500 m có thể mang theo chất chữa cháy;

+ Thiết bị bay không người lái có thể tìm kiếm người bị nạn từ trên cao sử dụng camera tầm nhiệt, camera hồng ngoại;

+ Xe chữa cháy áp lực cao sử dụng công nghệ Sky Cafs có thể đẩy chất chữa cháy lên các tầng cao từ 100 m đến 500 m;

+ Xe hút, đẩy khói chuyên dụng công suất lớn;

+ Xe thang, xe trạm bơm công suất lớn;

+ Thiết bị cứu người trên cao (ròng rọc cứu nạn cứu hộ sử dụng động cơ điện, súng phóng móc dây cứu nạn cứu hộ);

+ Camera tầm nhiệt cầm tay hoặc gắn trên mũ chữa cháy giúp tìm kiếm và xác định gốc lửa, người bị nạn;

+ Các loại chất, phương tiện phục vụ chữa cháy các đám cháy trong điều kiện nhiều khói, khí độc (chất chữa cháy trung hòa làm giảm mật độ khói, thiết bị phun sương áp lực cao nhằm làm giảm nhiệt độ khu vực cháy …).

Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH

Gửi ý kiến:

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

TƯ CÁCH
NGƯỜI CÔNG AN CÁCH MỆNH LÀ:

Đối với tự mình, phải
CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH Đối với đồng sự, phải
THÂN ÁI GIÚP ĐỠ Đối với chính phủ, phải
TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH Đối với nhân dân, phải
KÍNH TRỌNG LỄ PHÉP Đối với công việc, phải
TẬN TỤY Đối với địch, phải
CƯƠNG QUYẾT, KHÔN KHÉO Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi Công an Khu XII,
ngày 11 tháng 3 năm 1948.
Lượt truy cập: 21296474
Trực tuyến: ...