Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đối với nhà cao tầng trên địa bàn thành phố, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản, UBND thành phố vừa ban hành Văn bản số 3063/UBND-KTGS1 ngày 13/5/2021 về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà cao tầng.
Tại Văn bản này, UBND thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 9/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư và văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an về công tác PCCC đối với nhà cao tầng.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có nhà cao tầng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC tại các nhà, khu chung cư cao tầng, hướng dẫn kỹ năng PCCC và CNCH bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú để mọi người dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Lực lượng phòng cháy chữa cháy thành phố diễn tập PCCC và CNCH khu nhà cao tầng Lê Hồng Phong
Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải và UBND các quận, huyện trong việc thẩm định, phê duyệt các dự án và cấp phép xây dựng các công trình đảm bảo các yêu cầu về PCCC. Đối với các công trình nằm trong danh mục cơ sở nguy hiểm cháy nổ quy định tại Phụ lục V Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC trước khi cấp phép xây dựng.
UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã kiện toàn và tổ chức hoạt động của lực lượng dân phòng, tổ dân phố, ban quản trị nhà chung cư, chủ cơ sở có nhà cao tầng thành lập lực lượng PCCC cơ sở, đảm bảo đội viên Đội dân phòng, Đội PCCC cơ sở phải được huấn luyện, cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH. Thực hiện đúng chế độ bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy, duy trì hoạt động hiệu quả. Bố trí lực lượng thường trực sẵn sáng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố cháy, nổ, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng. Thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất về PCCC trong phạm vi quản lý.
UBND cấp huyện đảm bảo ngân sách chi cho việc trang bị phương tiện, thiết bị PCCC và duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng; giải quyết chế độ, chính sách kịp thời đúng quy định đối với người bị thương, hy sinh hoặc thiệt hại về tài sản khi tham gia chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ; kịp thời động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC, CNCH; vận động, khuyến khích người dân tình nguyện tham gia công tác PCCC và CNCH. Đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có nhà cao tầng phải bố trí kinh phí phục vụ công tác PCCC trong phạm vi trách nhiệm quản lý của mình; tổ chức tự kiểm tra công tác PCCC theo định kỳ, thường xuyên hoặc đột xuất để phát hiện kịp thời các sơ hở, thiết sót về PCCC và khắc phục chấn chỉnh ngay.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố phối hợp với Sở Tài chính thực hiện quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với các cơ sở là trụ sở cơ quan hành chính nhà nước.
Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Cổ phần cấp nước Hải Phòng tăng cường thực hiện việc lắp đặt hệ thống trụ nước chữa cháy trên địa bàn thành phố đảm bảo theo quy định.
Công an thành phố phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện tổ chức công tác kiểm tra về an toàn PCCC đối với các nhà cao tầng, trong đó chú trọng các nội dung sau: Xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC đưa vào hoạt động trước năm 2001 theo Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 8/12/2017 của HĐND thành phố quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố Hải Phòng được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực; cơ sở xây dựng không đúng quy hoạch hoặc giấy phép xây dựng, công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh, chủ hộ gia đình trong nhà chung cư khắc phục ngay những vi phạm về PCCC. Chủ động xây dựng phương án chữa cháy, CNCH nhà cao tầng, phối hợp với chủ cơ sở tổ chức diễn tập phương án chữa cháy một số tình huống phức tạp để chủ động ứng phó với các sự cố cháy, nổ xảy ra. Khẩn trương điều tra kết luận các vụ cháy nổ nhà cao tầng, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở và những người liên quan vi phạm quy định về PCCC nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản. Giao Công an thành phố hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị, địa phương; tổng hợp tình hình báo cáo kết quả về UBND thành phố và Bộ Công an theo quy định.