Tháng 7/2021, toàn quốc xảy ra 497 vụ cháy và sự cố cháy (trong đó 178 vụ cháy theo quy định thống kê và 282 vụ sự cố chập cháy trên cột điện, thiết bị điện trong nhà dân; cháy cỏ, rác và 37 vụ cháy rừng) làm chết 07 người, bị thương 05 người, thiệt hại về tài sản ước tính 29,58 tỷ đồng và 308,61 ha rừng.
So với tháng 6/2021, số vụ cháy tăng 29 vụ, tăng 6,2%; số người chết giảm 03 người, giảm 30%; số người bị thương giảm 07 người, giảm 58,3%; thiệt hại về tài sản tăng 9,41 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ cháy giảm 53 vụ, giảm 19,77%; số người chết giảm 04 người, giảm 36,36%; số người bị thương giảm 01 người, giảm 16,6%; thiệt hại về tài sản giảm 3,18 tỷ đồng, giảm 9,7%.
Về nguyên nhân các vụ cháy, sự cố: Đã điều tra làm rõ nguyên nhân 323/497 vụ (chiếm 64,99%), trong đó: Do sự cố hệ thống, thiết bị điện 192 vụ (chiếm 38,6%); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 77 vụ (chiếm 15,5%); do sự cố kỹ thuật 07 vụ (chiếm 1,41%); do vi phạm quy định an toàn PCCC 02 vụ (chiếm 0,4%); 01 vụ do tự cháy (chiếm 0,2%); 09 vụ do nguyên nhân khác (chiếm 1,81%) và do đốt cỏ, rác 35 vụ (chiếm 7,04%). Đang điều tra 174 vụ (chiếm 35,01%).
Đáng chú ý, 317 vụ cháy và vụ sự cố cháy xảy ra tại khu vực thành thị, chiếm 63,78% tổng số vụ. Trong tháng 7/2021,tình hình cháy tại nhà dân còn diễn biến phức tạp (63 vụ cháy nhà dân chiếm 12,68% tổng số các vụ cháy). Điển hình, ngày 15/6/2021 cháy nhà ở kết hợp kinh doanh tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, làm 06 người chết; ngày 02/7/2021 xảy ra vụ cháy nhà dân tại Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh làm 01 người chết.
Trong tháng, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH xuất 1.134 lượt phương tiện, 7.401 lượt CBCS trực tiếp tổ chức chữa cháy 372/497 vụ cháy và sự cố cháy (chiếm 74,84%); xuất 234 lượt phương tiện, 1.487 lượt CBCS trực tiếp tham gia 122 vụ CNCH, tổ chức cứu được 28 người, tìm kiếm được 61 thi thể, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Số vụ cháy và sự cố cháy do lực lượng tại chỗ dập tắt là 125/497 vụ (chiếm 25,15%).
Tháng 7/2021, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, tổ chức kiểm tra an toàn PCCC 19.774 lượt cơ sở; lập 19.774 biên bản kiểm tra; phát hiện 17.561 tồn tại, thiếu sót và kiến nghị khắc phục; xử phạt vi phạm hành chính 378 trường hợp với số tiền phạt là 2,18 tỷ đồng; tạm đình chỉ 29 trường hợp và đình chỉ hoạt động 10 trường hợp. Tiếp tục thực hiện hiệu quả đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trước những diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết; tiếp tục triển khai các hoạt động nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (04/10/1961-04/10/2021) và 20 năm Ngày toàn dân PCCC (04/10/2001-04/10/2021).
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tại các địa phương thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an các địa phương đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp an toàn PCCC; xây dựng các phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn an toàn PCCC cho các khu dân cư bị cách ly, khu cách ly tập trung, các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19; tổ chức thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24; xây dựng phương án di chuyển người dân tại khu vực cách ly đến nơi an toàn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; sẵn sàng điều động, lực lượng, phương tiện để chi viện khi có yêu cầu; tích cực thực hiện các hoạt động chia sẻ khó khăn với nhân dân trong thời gian thực hiện cách ly xã hội...
Để hạn chế các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo người dân: Trong thời gian cách ly xã hội, người dân lưu ý thực hiện nghiêm các quy định an toàn PCCC trong sử dụng lửa, điện và khí đốt hóa lỏng tại gia đình. Hình thành thói quen quan sát, chuẩn bị lối thoát nạn đề phòng cháy, nổ xảy ra. Khi xảy cháy, phải thật bình tĩnh tìm cách xử lý; báo cho mọi người xung quanh biết và tìm cách thoát khỏi đám cháy nhanh nhất; không trú ẩn dưới gầm giường, tủ quần áo, nhà vệ sinh… không dùng thang máy để thoát hiểm. Khi di chuyển thoát nạn cần hạ thấp cơ thể; dùng khăn, vải ướt để bảo vệ cơ quan hô hấp nếu phải băng qua lửa, khói; khi bị lửa bén cháy quần áo, phải nằm xuống, lăn qua lăn lại đến khi lửa tắt. Mỗi hộ gia đình cần dự phòng cho mình nhiều lối thoát hiểm, đề phòng khi cháy xảy ra.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH