Cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội những năm gần đây tình hình cháy, nổ trên cả nước diễn biến phức tạp, trên phạm vi rộng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản đặc biệt tại khu công nghiệp và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Diễn tập PCCC tại khu công nghiệp Nomura thành phố Hải Phòng
Theo số liệu thống kê toàn quốc đến tháng 4 năm 2020, cả nước có 336 KCN được thành lập với 258 KCN đã đi vào hoạt động, tổng diện tích khoảng 68,1 nghìn ha và 78 KCN đang xây dựng với tổng diện tích khoảng 28,1 nghìn ha; tính đến cuối năm 2019, cả nước có 8.970 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 05 năm (2015-2019), cả nước xảy ra 17.844 vụ cháy, làm chết 431 người, bị thương 981 người; thiệt hại về tài sản ước tính 8.399 tỷ đồng và 8.810 héc-ta rừng; đáng chú ý, trong số 50 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản giai đoạn 2014 - 2018 (theo Báo cáo số 400/BC-CP ngày 12/9/2019 của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 - 2018) có tới 29 vụ cháy xảy ra tại các cơ sở trong KCN gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và an sinh xã hội.
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai thực hiện công tác PCCC tại KCN và doanh nghiệp FDI; phối hợp với các sở, ngành triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC trong đầu tư xây dựng và trong quá trình hoạt động, góp phần kiềm chế về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra tại các KCN, doanh nghiệp FDI, cụ thể: (1) Đã chủ động thực hiện công tác điều tra cơ bản nắm tình hình hoạt động của các KCN, doanh nghiệp FDI và các cơ sở trong KCN. (2) Từ năm 2018, đã phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan thông tin, truyền thông, các sở, ngành và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cụ thể: Tổ chức 8.856 lớp tuyên truyền cho 280.917 lượt người, 2.696 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 111.322 đội viên đội PCCC cơ sở, chuyên ngành; hướng dẫn cơ sở xây dựng mới 731 phương án chữa cháy và tổ chức 1.192 lượt thực tập phương án chữa cháy. Qua đó nhận thức về công tác PCCC của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ quan quản lý đã có chuyển biến và nâng cao rõ rệt. (3) Việc triển khai công tác kiểm tra an toàn về PCCC được thực hiện nghiêm túc theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Từ năm 2018, đã tổ chức 39.929 lượt kiểm tra, phát hiện và kiến nghị khắc phục 56.819 tồn tại, vi phạm, xử phạt 4.586 trường hợp với số tiền 35,176 tỷ đồng; tạm đình chỉ hoạt động 117 lượt cơ sở, đình chỉ hoạt động 56 lượt cơ sở. Kết quả kiểm tra cho thấy hầu hết cơ sở được kiểm tra đều có tồn tại, vi phạm, tập trung chủ yếu tại các cơ sở đã hoạt động trong thời gian dài.
Người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp quản lý hạ tầng KCN đã cơ bản chấp hành quy định của pháp luật về PCCC, cụ thể: Thực hiện quy định về thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đối với hạ tầng kỹ thuật của KCN; thành lập và duy trì hoạt động của Đội PCCC cơ sở, chuyên ngành; đầu tư xây dựng và duy trì hoạt động của hệ thống cấp nước chữa cháy, giao thông phục vụ chữa cháy; phối hợp với cơ quan chức năng cấp phép đầu tư xây dựng cho các cơ sở hoạt động trong KCN. Tuy nhiên, nhiều nơi chưa thành lập đội PCCC chuyên ngành và trang bị xe chữa cháy do gặp khó khăn trong bố trí con người và đầu tư kinh phí ban đầu, cũng như trong quá trình hoạt; hoạt động của hệ thống cấp nước chữa cháy còn hạn chế.