"CÔNG AN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG, ĐIỀU LỆNH; XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ"

Các bộ, ngành “nêu gương” trong thực hiện Đề án 06

A
Cập nhật: 18/02/2022 13:57

“Bộ Công an xác định vai trò gương mẫu, đi đầu trong thực hiện, luôn sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì lợi ích của đất nước, của người dân”. Đó là nội dung được Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh khi chủ trì cuộc họp Tổ công tác của Chính phủ thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) vào sáng ngày 17/02/2022, tại Hà Nội.

Tham dự cuộc họp còn có đồng chí Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó thường trực Tổ công tác; các thành viên Tổ công tác và đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.

Đây là phiên họp thứ hai của Tổ công tác được tổ chức theo định kỳ hàng tháng (sau phiên họp đầu tiên vào ngày 23 Tết Nguyên đán) nhằm kiểm điểm kết quả công tác từ sau Hội nghị triển khai Đề án 06 của Chính phủ (tổ chức vào ngày 18/01/2022) đến nay, đồng thời thảo luận và triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2, tháng 3/2022.

Toàn cảnh cuộc họp.

Trên cơ sở báo cáo tóm tắt kết quả triển khai Đề án 06 cũng như ý kiến phát biểu của đại diện các bộ, ngành và ý kiến của đồng chí Tổ phó Thường trực Tổ công tác, có thể thấy công tác chỉ đạo, triển khai Đề án đã và đang thực hiện quyết liệt, mang lại nhưng kết quả tích cực, cụ thể: Các nội dung công tác thuộc 5 nhóm việc của Đề án được triển khai quyết liệt, có những nội dung đã vượt tiến độ; đạt những kết quả vượt bậc trong thực hiện một số dịch vụ công liên quan đến cư trú trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đơn giản hóa một số thủ tục hành chính liên quan đến các công tác quản lý cư trú, tinh giảm các giấy tờ cần thiết để thực hiện các thủ tục hành chính, tiết kiệm cho nhà nước kinh phí phục vụ lưu trữ, bảo quản hồ sơ; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành tiếp tục được quan tâm triển khai đúng tiến độ…

Cụ thể, đến nay Bộ Công an đã ban hành Thông tư về danh mục, sản phẩm được khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thành việc rà soát các quy định của pháp luật để sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số Chứng minh nhân dân với Căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cơ sở dữ liệu thuế; Văn phòng Chính phủ đã ban hành hướng dẫn các bộ, ngành địa phương thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh; đã kết nối chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm, một số nội dung đã vượt tiến độ đề ra, như: Đã kết nối chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm.

Các đại biểu thảo luận tại cuộc họp.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, nhất là trong tháng 2 và tháng 3/2022, Tổ công tác xác định 7 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư.

Đối với nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong tháng 3/2022, Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai, phát triển hệ thống định danh và xác thực điện tử; thực hiện kết nối, tích hợp hệ thống xác thực định danh điện tử của Bộ Công an với Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ người dân trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương.

Nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội: tiếp tục triển khai ứng dụng các tính năng của chip điện tử gắn trên thẻ Căn cước công dân và ứng dụng VNEID trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số mạnh nhất như: Ngân hàng (mở tài khoản, nhận biết khách hàng, thanh toán, ví điện tử…), tài chính, viễn thông, điện, nước.

Nhóm tiện ích phục vụ phát triển công dân số: bắt đầu cung cấp tài khoản định danh điện tử, đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia đăng ký định đanh điện tử, phổ cập danh tính điện tử và được xác thực trên ứng dụng VNEID khi công dân có nhu cầu. Hạ tầng công nghệ thông tin của các hệ thống dữ liệu dân cư và căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử được nâng cấp, mở rộng đảm bảo thực hiện các mục tiêu của đề án.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại cuộc họp.

Trong thời gian tới, nhằm hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, các đơn vị sẽ tiến hành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành như dữ liệu thuế, dữ liệu sổ sức khỏe điện tử, giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện, hộ tịch điện tử, dữ liệu trẻ em, giáo dục và đào tạo.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định tiến trình thực hiện Đề án là những bước tiến rất căn bản, nhưng cũng tốc độ nhanh bắt kịp xu thế chung trong bối cảnh bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bộ trưởng Y tế khẳng định việc sử dụng Căn cước công dân thay cho thẻ Bảo hiểm y tế là điều rất đáng mong đợi trong việc thanh toán trong y tế. Bên cạnh đó, việc đăng ký khám chữa bệnh online sẽ giúp người dân không phải chờ đợi, gây quá tải cục bộ khi đến khám vào cùng một thời điểm. 

Đại diện Bộ Lao động và Thương binh và Xã hội cho biết, kể từ ngày 4/1 đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an tổ chức trao đổi một số nội dung triển khai kết nối và tiến hành thực hiện xác thực lại thông tin, chuẩn hóa dữ liệu và bổ sung xác định số định danh gần 20 triệu bản ghi dữ liệu trẻ em.

Các ý kiến phát biểu của đại diện các bộ, ngành đều đánh giá cao về ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số. Đồng thời khẳng định việc sớm triển khai kết nối dữ liệu và phát triển đồng bộ tại các bộ, ngành các nhóm tiện ích sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời cải cách hành chính, tăng hiệu quả công tác quản lý trong lĩnh vực của mình.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu phải luôn được đặt lên hàng đầu, không tạo lỗ hổng để các đối tượng tấn công vào những tài nguyên quý giá này. Vì vậy, trước khi thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thì phải tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt đảm bảo về độ an toàn thông tin, đường truyền. Bên cạnh đó, việc sử dụng kinh phí triển khai Đề án phải thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tránh thất thoát và chống lãng phí. Đối với các văn bản pháp lý, cần tập trung hoàn thiện sớm, ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, Thông tư hướng dẫn trao đổi thông tin, dữ liệu giữa dữ liệu dân cư và các dữ liệu chuyên ngành.

Bộ trưởng Tô Lâm, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu, nhưng nhiệm vụ của Đề án phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải hoàn thành trong tháng 2, tháng 3/2022. Đây là những mốc thời gian quan trọng, tạo bước khởi đầu vững chắc, hoàn thành các mục tiêu tiếp theo của Đề án theo đúng tiến độ đề ra.

Bên cạnh đó, Đề án có phạm vi triển khai rộng đến các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị từng bộ, ngành là thành viên của Tổ công tác phải thể hiện tinh thần gương mẫu thực hiện trước, từ đó đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo. Riêng Bộ Công an xác định vai trò gương mẫu, đi đầu trong thực hiện, luôn sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì lợi ích của đất nước, của người dân.

Để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể đã được đưa ra trong phiên thảo luận, Bộ trưởng đề nghị các thành viên Tổ công tác thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao để khẩn trương thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đảm bảo theo tiến độ chung của Đề án.

Về chế độ thông tin, báo cáo và công tác kiểm tra, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, hàng tuần, tháng, quý và năm; xây dựng báo cáo tiến độ thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ được phân công và theo lộ trình, gửi về Thư ký tổ giúp việc (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) để tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Giao Cơ quan Thường trực khẩn trương đề xuất thời gian làm việc của Tổ công tác đối với các bộ, ngành, địa phương cụ thể để đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thực hiện các nhiệm vụ Đề án theo đúng tiến độ.

Gửi ý kiến:

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

TƯ CÁCH
NGƯỜI CÔNG AN CÁCH MỆNH LÀ:

Đối với tự mình, phải
CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH Đối với đồng sự, phải
THÂN ÁI GIÚP ĐỠ Đối với chính phủ, phải
TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH Đối với nhân dân, phải
KÍNH TRỌNG LỄ PHÉP Đối với công việc, phải
TẬN TỤY Đối với địch, phải
CƯƠNG QUYẾT, KHÔN KHÉO Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi Công an Khu XII,
ngày 11 tháng 3 năm 1948.
Lượt truy cập: 21305086
Trực tuyến: ...