Ngày 13 và 14/11/2019, tại Roma, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước và sự phân công của Chính phủ, Bộ Công an đã tiến hành đàm phán dự thảo Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam và Italia.
Đoàn đàm phán Việt Nam do Trung tướng, GS. TS Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an Việt Nam làm Trưởng đoàn. Tham dự đoàn có Thượng tá Bùi Trung Thành, Phó Giám đốc CATP Hải Phòng. Đoàn đàm phán Italia do ông Gianfranco Criscione, Quyền Chánh văn phòng Hợp tác tư pháp quốc tế - Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn (ảnh).
Tại buổi đàm phán, hai bên đã tập trung trao đổi, chia sẻ cụ thể về hệ thống pháp luật và thực tiễn có liên quan của hai nước, là cơ sở góp phần đàm phán từng điều khoản của Hiệp định đạt hiệu quả cao. Đồng thời, hai bên khẳng định, sau vòng đàm phán này sẽ báo cáo và đề xuất cấp có thẩm quyền về các nội dung đã thống nhất, hướng tới việc ký chính thức Hiệp định.
Nội dung của Hiệp định tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật quốc tế và pháp luật hai quốc gia, phù hợp với xu hướng chung về ký kết các điều ước quốc tế trong lĩnh vực chuyển giao người bị kết án phạt tù, vì mục đích nhân đạo và tạo điều kiện tốt hơn cho người phạm tội tái hoà nhập xã hội, cũng như góp phần bảo hộ công dân Việt Nam nói riêng và công dân hai nước nói chung.
Quá trình đàm phán, hai bên đã tuân thủ trên tinh thần hữu nghị, hợp tác, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, tập trung trao đổi, chia sẻ cụ thể về hệ thống pháp luật và thực tiễn có liên quan của hai nước. Hiệp định được ký kết sẽ góp phần tạo điều kiện tốt nhất cho người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng.
Hiện nay, Italy là nền kinh tế đứng thứ 9 trên thế giới, có mô hình phát triển kinh tế khá gần gũi với Việt Nam, với hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất năng động và hiệu quả, đóng góp tới gần 2/3 GDP. Kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (23/3/1973) và sau hơn 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (21/01/2013), quan hệ Việt Nam-Italy tiếp tục trên đà phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục và an ninh – quốc phòng.
Italy là nước Tây Âu đầu tiên tích cực ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, trên các diễn đàn quốc tế lớn cũng như việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế đầu những năm 90.
Trong các cuộc tiếp xúc, Lãnh đạo cấp cao Italy khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Đông Nam Á. Hiện Italy đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong khối EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong khối ASEAN.
Về hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, thông qua cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Italy bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc phong với Việt Nam, khẳng định sẵn sàng hợp tác nghiên cứu chế tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất tàu quân sự và dân sự, hợp tác đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; mong muốn mở rộng hợp tác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp thông qua việc ký kết các hiệp định dẫn độ tội phạm, chuyển giao người bị kết án, tương trợ tư pháp hình sự…
Việc đàm phán Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù với Italia vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công dân hai nước khi phạm tội và bị kết án phạt tù ở nước kia được chuyển giao để tiếp tục chấp hành phần hình phạt còn lại tại đất nước mình mang quốc tịch nhằm mục đích tái hòa nhập cộng đồng thành công sau khi chấp hành xong hình phạt, qua đó thể hiện chính sách nhân đạo, bản chất nhân văn của Nhà nước ta, đồng thời cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược đi vào thực chất, đặc biệt trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 – 2018).
Việc đàm phán Hiệp định cũng sẽ thúc đẩy triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia các tổ chức quốc tế, các điều ước quốc tế đa phương, tăng cường hiệu quả áp dụng và hoàn thiện cơ sở pháp lý trong thực hiện hoạt động chuyển giao người bị kết án phạt tù.