"CÔNG AN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG, ĐIỀU LỆNH; XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ"

Đẩy mạnh quá trình Chuyển đổi số Quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số

A
Cập nhật: 26/12/2022 12:06

 Sáng 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 01 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và Tổng kết hoạt động của Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022.

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành chức năng và đơn vị liên quan.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng.

Dự Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố; Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố; cùng các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố; thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.

Năm 2022, nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực, từng bước chuyển đổi nhận thức, thay đổi thói quen, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu. Hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt một số kết quả bước đầu. Các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (quản lý dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch điện tử...).

Bộ Công an đã tích cực triển khai CSDL quốc gia về dân cư, từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số. Đã kết nối, liên thông với 47 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cấp trên 76 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; đồng bộ hơn 234 triệu thông tin tiêm chủng; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác định thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động...

Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp gần 4.400 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (gấp 3 lần năm 2021); hơn 154 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (gấp 1,7 lần so với năm 2021); hơn 3,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (gấp hơn 5,7 lần năm 2021).

Hải Phòng có tỷ lệ giải quyết dịch vụ công trực tuyến đúng hạn cao nhất cả nước

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố chủ trì tại điểm cầu Hải Phòng.

Năm 2022, thành phố Hải Phòng xác định Chủ đề là “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”, theo đó thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về nền tảng, kho dữ liệu dùng chung làm cơ sở thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số thành phố. Nhiều Hội nghị, Hội thảo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được tổ chức tại thành phố, các cơ quan, đơn vị.

Thành phố lựa chọn 5 lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên cấp kinh phí để hoàn thành dứt điểm trong 2022, gồm: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Giao thông vận tải, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng. Hạ tầng số được cải thiện với số trạm phát sóng tăng 12%, tốc độ di động tăng 20 bậc, bước đầu có doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây đặt tại Hải Phòng (Mobifone khai trương Trung tâm dữ liệu tại Quận Dương Kinh), Viettel, Vinaphone tăng cường trạm phát sóng 5G tại khu vực Trung tâm thành phố. Dịch vụ công trực tuyến tăng trưởng mạnh, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn thành phố tăng theo từng tháng (trung bình 55%/năm); Cổng dịch vụ công Quốc gia đánh giá dịch vụ công trực tuyến của Hải Phòng có tỷ lệ giải quyết đúng hạn trên 98% cao nhất toàn quốc; 100% các cơ quan nhà nước từ thành phố tới cấp xã, tích hợp chữ ký số chuyên dùng để thực hiện ký số văn bản điện tử, 100% văn bản được gửi trên môi trường mạng…

Triển khai Đề án 06/CP, năm 2022 Hải Phòng đã tập trung chỉ đạo các đơn vị khắc phục ngay các lỗ hổng bảo mật, nguy cơ mất an ninh, an toàn trên Hệ thống giải quyết TTHC thành phố. Năm 2023, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố nâng cao nhận thức, hiểu rõ về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của Đề án số 06/CP. Trong đó tập trung tuyên truyền để người dân đăng ký, sử dụng tài khoản dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia; hoàn thiện các nội dung liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thu nhận, quản lý căn cước công dân, bảo đảm dữ liệu chính xác, an toàn dữ liệu. Cùng với đó, đẩy mạnh tổ chức thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử và cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử cho công dân đủ điều kiện theo quy định trên địa bàn thành phố đảm bảo triển khai hiệu quả Luật Cư trú (ngày 01/01/2023 chính thức bỏ Sổ Hộ khẩu “bằng giấy”)…

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với các báo cáo, ý kiến, đồng thời biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các Bộ, ngành, địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng nêu rõ năm 2023 dự báo thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn. Nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, góp phần giảm bớt khó khăn, tạo thêm thời cơ và thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh phải xác định chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số; đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030. Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, lưu ý vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Chủ động ban hành Kế hoạch chuyển đổi số phải thực chất, tránh hình thức, phù hợp với điều kiện của mình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp. Tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả về đào tạo, tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ nhân lực chuyển đổi số, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục hoàn thiện ứng dụng định danh, xác thực điện tử, tích hợp các dịch vụ thiết yếu để dần thay thế các giấy tờ liên quan đến công dân. Phấn đấu đến quý II/2023 cấp được 40 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân.

Gửi ý kiến:

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

TƯ CÁCH
NGƯỜI CÔNG AN CÁCH MỆNH LÀ:

Đối với tự mình, phải
CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH Đối với đồng sự, phải
THÂN ÁI GIÚP ĐỠ Đối với chính phủ, phải
TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH Đối với nhân dân, phải
KÍNH TRỌNG LỄ PHÉP Đối với công việc, phải
TẬN TỤY Đối với địch, phải
CƯƠNG QUYẾT, KHÔN KHÉO Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi Công an Khu XII,
ngày 11 tháng 3 năm 1948.
Lượt truy cập: 21279651
Trực tuyến: ...