Sáng 13/02/2023, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND). Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì phiên họp.
|
Toàn cảnh phiên họp. |
Tham dự phiên họp có Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật; đại diện các bộ, ngành liên quan và một số đơn vị thuộc Bộ Công an.
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe công bố Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND. Theo đó, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an là Trưởng ban soạn thảo; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an là Phó Trưởng ban soạn thảo; Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an là Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật CAND.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã được nghe nội dung cơ bản của hồ sơ xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật CAND. Theo đó, Luật CAND được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019 (trừ các quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng; phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp Tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2019). Qua 3 năm triển khai thực hiện, Luật CAND đã tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ, toàn diện để lực lượng CAND thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần giữ vững an ninh, trật tự của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật CAND đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập như: Thứ nhất, hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an chưa phù hợp với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động; Thứ hai, về thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác chưa cụ thể nên khó thực hiện. Thứ ba, về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND chưa phù hợp với thực tiễn. Chính vì vậy, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là cần thiết. Tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND, đồng thời, đề xuất với Ban soạn thảo, Tổ biên tập tổ chức khảo sát lấy ý kiến rộng rãi trong lực lượng CAND cũng như của các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học nhằm hoàn thiện dự án đúng tiến độ và phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.
|
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên họp. |
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu qua các ý kiến tham gia tại phiên họp này; Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ tiếp thu và tập hợp trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu để xây dựng dự án Luật theo đúng các quy định của pháp luật. Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp phối hợp với các đơn vị liên quan để báo cáo giải trình về các quy định trong dự án Luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các bộ, ngành và xã hội hiểu rõ về những nội dung của dự án Luật nhằm tạo được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành cũng như xã hội...