"CÔNG AN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG, ĐIỀU LỆNH; XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ"

Hội thảo “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới”

A
Cập nhật: 16/08/2022 17:32

Hội thảo khoa học quốc gia “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới” do Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức đã diễn ra ngày 16/8/2022, tại Hà Nội.

Các đồng chí: Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đồng chủ trì và tham gia điều hành Hội thảo.

 

Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang, Giám đốc CATP Vũ Thanh Chương, Phó Chủ tịch HĐND TP Bùi Đức Quang và đại biểu tham dự tại điểm cầu Trung tâm chỉ huy CATP Hải Phòng.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Nghị quyết số 51 ngày 5/9/2019 về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia của Bộ Chính trị khóa XII đã chỉ rõ: An ninh quốc gia là sự vững mạnh, trường tồn của Đảng, sự ổn định, phát triển bền vững về mọi mặt của đất nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là sự ổn định về chính trị, về biên giới, chủ quyền lãnh thổ và an ninh, an toàn xã hội. Bảo vệ an ninh quốc gia là bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, Nhân dân cũng như chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. 

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn Hội thảo

Kế thừa và phát huy truyền thống, nghệ thuật giữ nước của dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ an ninh quốc gia là quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta nhằm huy động, phát huy sức mạnh tổng hợp, toàn diện, quy tụ mọi nhân tố: chính trị, tinh thần, tư tưởng, con người, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và cả hệ thống chính trị, kết hợp chặt chẽ sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. 

 

Để Hội thảo mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ sự cần thiết và những yêu cầu phát huy sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ an ninh quốc gia trong bối cảnh mới; phân tích làm rõ sự phát triển tư duy lý luận của Đảng, đặc biệt là những nhận thức mới trong Văn kiện Đại hội XIII về phát huy sức mạnh toàn dân bảo vệ an ninh quốc gia; đồng thời, làm rõ thực trạng và đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phát huy sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới một cách hiệu quả và thiết thực.

Với tinh thần trên, Hội thảo đã nhận được nhiều bài viết tham luận chất lượng từ các bộ, ban, ngành, đoàn thể, Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn. Ban Tổ chức đã lựa chọn 100 bài viết đăng trong kỷ yếu Hội thảo, tập trung vào 04 nội dung: 1- Tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về phát huy sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới; 2- Phát huy các nguồn lực bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới; 3- Vị trí, vai trò và những đóng góp của lực lượng Công an nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia; 4- Nhiệm vụ và giải pháp phát huy sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới. Kỷ yếu Hội thảo sẽ được xuất bản, phát hành song song cả ấn phẩm giấy và ấn phẩm điện tử phục vụ bạn đọc miễn phí trên trang Stbook.vn và Thuviencoso.vn.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ điều hành tham luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, dưới sự điều hành tham luận của Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ; Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Minh Tuấn, Hội thảo đã nhận được 11 ý kiến tham luận trực tiếp luận giải, phân tích, làm rõ những vấn đề lý luận, tổng kết thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới. Nổi bật như tham luận của GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương với chủ đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; chủ đề “Quan điểm và sự chỉ đạo của Đảng về phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; chủ đề “Phát huy vai trò của công tác dân vận góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới” của TS. Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; tham luận của Trung tướng Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về “Xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia hiện nay”; tham luận của đồng chí Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao về chủ đề “Phát huy vai trò của ngoại giao Việt Nam góp phần bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới”…

Các đại biểu tham luận tại Hội thảo. 

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, các ý kiến tham luận tại Hội thảo đã khăng định rõ vai trò của nhân dân tham gia xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân”; khẳng định rõ vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia là Công an nhân dân và Quân đội nhân dân. Các tham luận cũng đã đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp phát huy sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình hiện nay như: Coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; đổi mới, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia; đề xuất giải pháp tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch… Trong các bài tham luận cũng đã nêu đề xuất, kiến nghị với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về một số chủ trương, nhiệm vụ chủ động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, nhất là xây dựng nền an ninh nhân dân, “thế trận an ninh nhân dân” và “thế trận lòng dân” trong bối cảnh tình hình mới. 

Thay mặt lãnh đạo 04 cơ quan đồng chủ trì và Ban Tổ chức Hội thảo, Bộ trưởng Tô Lâm trân trọng cảm ơn các ý kiến tham luận tại Hội thảo; khẳng định, 04 cơ quan sẽ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức nghiên cứu nghiêm túc, thấu đáo để tiếp tục tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp phù hợp.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tổng kết Hội thảo.

Để thực hiện tốt vai trò nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia góp phần phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và đối ngoại của đất nước, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu thời gian tới, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần phát huy truyền thống tốt đẹp của Công an nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân”. Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện theo Sáu điều Bác Hồ dạy, thực hiện “gần dân, trọng dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân”, nêu cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, “khi dân cần, khi dân khó, có Công an”. Quán triệt nghiêm túc lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất” để lực lượng Công an nhân dân là “thanh bảo kiếm” sắc bén bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ Nhân dân; sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gian khổ, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân. 

Gửi ý kiến:

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

TƯ CÁCH
NGƯỜI CÔNG AN CÁCH MỆNH LÀ:

Đối với tự mình, phải
CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH Đối với đồng sự, phải
THÂN ÁI GIÚP ĐỠ Đối với chính phủ, phải
TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH Đối với nhân dân, phải
KÍNH TRỌNG LỄ PHÉP Đối với công việc, phải
TẬN TỤY Đối với địch, phải
CƯƠNG QUYẾT, KHÔN KHÉO Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi Công an Khu XII,
ngày 11 tháng 3 năm 1948.
Lượt truy cập: 21290999
Trực tuyến: ...